Người biểu tình ở Bangkok gia tăng sức ép

NDO -

NDĐT- Ngày 14-1, nhiều người biểu tình tham gia chiến dịch “đóng cửa” Bangkok tuần hành tới “bao vây” thêm một số trụ sở cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Lao động, yêu cầu công chức ở những nơi này nghỉ việc.

Đám đông biểu tình tuần hành tới phong tỏa thêm một số công sở (Ảnh: Trường Sơn)
Đám đông biểu tình tuần hành tới phong tỏa thêm một số công sở (Ảnh: Trường Sơn)

Phát biểu trên bục diễn thuyết được người biểu tình dựng lên tại giao lộ Asoke, thủ lĩnh biểu tình Suthep kêu gọi phong tỏa tất cả các tòa nhà văn phòng chính phủ trong hai, ba ngày tới; “dọa” sẽ “bao vây” nhà riêng của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và các thành viên chính phủ, thậm chí là bắt giam họ nếu Chính phủ không từ chức theo yêu cầu của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) của lực lượng biểu tình.

Hôm nay, người biểu tình vẫn “chiếm giữ” nhiều giao lộ và tuyến đường chính ở thủ đô Bangkok. Một số trụ sở bộ đã đóng cửa từ ngày hôm qua. Các cơ quan chính phủ đã có kế hoạch làm việc dự phòng.

Theo đánh giá của Trung tâm Điều hành trật tự trị an (CAPO), cuộc biểu tình quy mô lớn này có thể “xẹp hơi” sau khoảng 5 ngày,

Trong khi đó, theo dự đoán của các lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD – hay còn gọi là lực lượng áo đỏ) đang tổ chức biểu tình tại nhiều tỉnh, thành phố (ngoại trừ Bangkok và các tỉnh miền nam – “thành trì chính trị” của đảng Dân chủ) phản đối “đóng cửa” Bangkok, ủng hộ tổng tuyển cử ngày 2-2 tới, chiến dịch “đóng cửa thủ đô” chỉ kéo dài không quá một tuần vì người dân Bangkok sẽ mất kiên nhẫn khi cuộc đại biểu tình ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.

Cuộc biểu tình do UDD tiến hành còn nhằm phản đối đảo chính trong bối cảnh nguy cơ có những đối tượng lợi dụng tình hình kích động bạo lực để “kéo” quân đội vào “can thiệp”.

Theo cảnh báo của CAPO, ba địa điểm biểu tình có nguy cơ cao xảy ra đụng độ, bạo lực, gồm khu vực Trung tâm hành chính quốc gia, giao lộ Tượng đài chiến thắng và Lat Phrao.

Sang ngày thứ hai của cuộc biểu tình “chiếm giữ” Bangkok, Thủ tướng Yingluck không tiến hành họp Nội các thường kỳ hàng tuần, mà tập trung theo dõi, chỉ đạo việc đối phó biểu tình, tại văn phòng của Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng trong khi Tòa nhà Chính phủ đã bị người biểu tình “bao vây”. Bà Yingluck khẳng định không từ chức, sẽ duy trì nền dân chủ và kêu gọi các bên tham gia cuộc họp về đề xuất hoãn bầu cử do Ủy ban Bầu cử Thái-lan (ECT) đưa ra.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng tạm quyền Phongthep cho biết, Chính phủ sẽ mời khoảng 70 người đại diện cho các bên liên quan tham dự cuộc họp dự kiến vào ngày 15-1 để nghe lý do Ủy ban Bầu cử Thái-lan (ECT) đưa ra đề xuất hoãn bầu cử và trao đổi ý kiến về việc này.

Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình Suthep và thành viên ECT phụ trách việc điều hành bầu cử, ông Somchai tuyên bố sẽ không tham dự cuộc họp.

Theo ông Suthep, PDRC sẽ không thương lượng hay thỏa hiệp với Chính phủ, không cần người làm trung gian hòa giải. Ông này cũng tuyên bố sẽ “đóng cửa” Bangkok cho tới khi những người biểu tình chống chính phủ “giành thắng lợi”.

PDRC đòi Chính phủ Thủ tướng Yingluck từ chức, tạo khoảng trống chính trị, mở đường cho việc lập “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử, vạch kế hoạch cải cách theo ý họ trước khi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới.

Thành viên ECT Somchai muốn Thủ tướng Yingluck có cuộc trao đổi riêng với Chủ tịch ECT trước khi tiến hành cuộc họp chung với các bên liên quan. Theo ông Somchai, cuộc họp chung không thể đạt được kết quả bởi nó bao gồm quá nhiều người với những quan điểm khác nhau.

Trước đó, Đảng Vì nước Thái cầm quyền đã cáo buộc ECT có thể có “động cơ bí mật” để không làm tròn trách nhiệm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sớm.