Điểm thời sự

Nga trước sức ép đa dạng hóa nền kinh tế

Trong bối cảnh giá dầu mỏ lao dốc và đồng rúp mất giá, ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế của Nga, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cam kết sẽ chi 750 tỷ rúp (gần 10 tỷ USD) đối phó cuộc khủng hoảng tài chính của nước này và đa dạng hóa nền kinh tế. Kế hoạch chống khủng hoảng gồm bốn lĩnh vực là giúp đỡ các khu vực, hỗ trợ các ngành kinh tế chủ chốt gặp khó khăn nhất như nông nghiệp, chế tạo ô-tô, các biện pháp hỗ trợ xã hội và cải cách cơ cấu.

Nga đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước.
Nga đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước.

Nền kinh tế của Nga phụ thuộc vào năng lượng đã suy giảm 3,7% trong năm 2015 do chịu tác động mạnh từ việc giá “vàng đen” lao dốc xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm trở lại đây, có lúc xuống dưới 30 USD/thùng và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng U-crai-na.

Bộ trưởng Tài chính Nga A.Xi-lu-a-nốp cho biết, tình trạng tụt dốc của giá dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách của Nga thiếu hụt 3.000 tỷ rúp trong năm nay. Theo đó, Nga có thể phải sử dụng một phần của Quỹ Tiền tài quốc gia (NWF) để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong năm 2016, nếu không thực thi các biện pháp điều chỉnh ngân sách tương ứng với mức giá dầu mới. Giá dầu giảm khiến Chính phủ Nga phải cắt giảm chi tiêu công và thậm chí điều chỉnh lại dự báo kinh tế vĩ mô cho năm 2016.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga E.Na-bi-u-li-na khẳng định, Nga có mọi công cụ cần thiết để ngăn chặn sự đe dọa ổn định tài chính của đất nước. Bà Na-bi-u-li-na khẳng định sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Nga sẽ cho phép nước này vượt qua các thách thức hiện nay. Tổng thống Nga V.Pu-tin mới đây đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành sẵn sàng cho bất kỳ sự biến động nào của thị trường hàng hóa và chứng khoán. Trong khi đó, Thủ tướng Đ.Mét-vê-đép cũng cho rằng, cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất giống như ở các nước khác.

Văn phòng Thủ tướng Nga khẳng định, Mát-xcơ-va cần đẩy nhanh sự đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp dầu mỏ và xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế mới trong vài ba năm tới. Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép bày tỏ hy vọng kế hoạch chống khủng hoảng sẽ đưa nền kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, từ đó bảo đảm mức sống của người dân không bị sụt giảm. Trong gói chống khủng hoảng tài chính và đa dạng hóa nền kinh tế có 310 tỷ rúp là ngân sách tồn đọng đã cấp cho các địa phương trong năm 2016. Mặc dù kinh tế Nga từ đầu năm đến nay có phần giảm sút, các hoạt động sản xuất ngưng trệ, nhưng 2016 sẽ là một năm tăng trưởng của “xứ sở Bạch dương”. Thủ tướng Mét-vê-đép dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm 2016 đạt 1%, trong khi lạm phát giảm xuống mức 6,4%.

Về tình hình dầu mỏ, ông Mét-vê-đép nhấn mạnh, Mát-xcơ-va đã chuẩn bị những phương án dự phòng trong bối cảnh giá của nguồn cung nhiên liệu này liên tục sụt giảm. Dù không phải là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) song Nga sẵn sàng tham gia cuộc họp với OPEC nhằm thiết lập khả năng phối hợp ứng phó với tình hình giá dầu sụt giảm do dư thừa nguồn cung. Ngoài ra, dự trữ ngoại tệ của nước này đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngân hàng trung ương Nga cũng đã chớp thời cơ để mua vào ngoại tệ và quyết sách này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, để giải quyết những thách thức mang tính lâu dài của nền kinh tế Nga và đa dạng hóa nền kinh tế để tránh lệ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, Chính phủ Nga cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sản xuất trong nước và xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế mới trong những năm tới. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, nền kinh tế Nga cần có những đợt điều chỉnh lớn hơn nữa để giảm phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.