"Lời giải" mới cho "bài toán" di cư

Cơn bão người di cư càn quét lục địa già những năm qua đang có dấu hiệu suy yếu khi Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) mới đây thông báo, số người di cư tới châu Âu bằng đường biển từ đầu năm 2017 đến nay là hơn 11 nghìn người, giảm mạnh so con số khoảng 75 nghìn người cùng kỳ năm ngoái. Trong quá trình vật lộn với cuộc khủng hoảng người di cư, Liên hiệp châu Âu (EU) đang hướng đến giải pháp mới, đó là châu Âu sẽ hợp tác với người di cư để thúc đẩy phát triển kinh tế, thay vì quyết liệt ngăn họ vào lục địa già.

Người di cư đang giúp giải quyết vấn đề già hóa dân số ở châu Âu.     Ảnh Roi-tơ
Người di cư đang giúp giải quyết vấn đề già hóa dân số ở châu Âu.     Ảnh Roi-tơ

Tại Hội nghị Á - Âu về vấn đề người di cư diễn ra ở Man-ta, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Ph.Mô-ghê-ri-ni nhấn mạnh, dân số châu Âu đang già hóa cho nên lục địa này rất cần người nhập cư, và bài toán di cư hóc búa của EU chỉ có thể được giải quyết bằng cách hợp tác chặt chẽ với người di cư. Những năm qua, tỷ lệ sinh tại Đức, “đầu tàu kinh tế” của EU, không ngừng giảm bất chấp việc Chính phủ nước này thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sinh đẻ và nuôi con. Theo ước tính, đến năm 2030, tỷ lệ người Đức trong độ tuổi lao động chỉ còn 54%. Cùng chia sẻ nỗi lo với Đức, I-ta-li-a cũng đang đối mặt gánh nặng dân số già. Báo cáo về sức khỏe quốc gia của Đại học Cát-tô-li-ca ở thủ đô Rô-ma của I-ta-li-a cho biết, hiện trung bình cứ năm người I-ta-li-a thì có một người hơn 65 tuổi. Tuổi thọ người dân ngày càng cao đang tạo áp lực lớn lên quỹ phúc lợi xã hội và khiến “đất nước hình chiếc ủng” đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động trong tương lai gần.

Đối mặt làn sóng người di cư ồ ạt, phần đông lãnh đạo cũng như người dân các nước EU đều lập tức nhìn vào những thách thức về an ninh, kinh tế, phúc lợi xã hội… mà người di cư tạo ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, EU cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề để tìm giải pháp bền vững, thay vì đưa ra những giải pháp mang tính chất đối phó, tạm thời. Theo cựu cố vấn kinh tế của Hội đồng châu Âu (EC) Ph.La-grên, người dân châu Âu đã có một “hiểu lầm tai hại” khi cho rằng người nhập cư chỉ đem đến những gánh nặng, rồi từ đó tìm cách bài xích và ngăn cản họ nhập cư. Trên thực tế, người nhập cư sẽ đóng góp tích cực cho nền kinh tế châu Âu bởi họ góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng nhu cầu các dịch vụ và sản phẩm, cũng như lấp đầy khoảng trống về nhân lực ở châu lục này. Theo một nghiên cứu, việc tiếp nhận người nhập cư có thể khiến mức nợ công ở các nước châu Âu tăng lên khoảng 69 tỷ ơ-rô trong giai đoạn năm 2015-2020, nhưng cùng với đó là việc giúp các nước này nhận được 126,6 tỷ ơ-rô từ tăng trưởng kinh tế, tức là nhiều gấp hai lần số tiền mà họ mất đi.

Mới đây, Chính phủ các quốc gia “đầu sóng ngọn gió” trước "cơn bão" di cư như Hy Lạp và I-ta-li-a đã công bố hàng loạt biện pháp để giúp người di cư hòa nhập tốt hơn với quốc gia sở tại. Các thành phố ở I-ta-li-a sẽ tăng cường thuê người tị nạn làm việc thường xuyên đối với các công việc mang tính xã hội, như bảo quản các không gian công cộng hay làm tình nguyện viên cho các tổ chức từ thiện địa phương. I-ta-li-a cũng rút ngắn thời gian xem xét đơn xin tị nạn của người di cư, giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Trong khi đó, Hy Lạp thì cam kết nỗ lực cải thiện điều kiện sống cho hàng nghìn người di cư và tị nạn đang bị mắc kẹt ở nước này. Phát biểu khi đến thăm cơ sở tiếp nhận người tị nạn ở ngoại ô phía nam thành phố A-ten, Bộ trưởng Nhập cư Hy Lạp Y.Mâu-da-lát bày tỏ cảm thông với tình hình khó khăn mà người di cư đang gặp phải, đồng thời tái khẳng định, “xứ sở của các vị thần” sẽ nỗ lực hết sức giảm bớt gánh nặng cho người di cư. Về phía mình, EU cũng cảnh báo xử phạt hành chính nghiêm khắc những nước thành viên nhất quyết “đóng cửa cài then” với dòng người di cư và không chia sẻ trách nhiệm chung với các quốc gia cửa ngõ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng ra báo cáo cho biết, về lâu dài, làn sóng người di cư sẽ mang lại lợi ích cho các nước tiếp nhận nhiều người tị nạn và di cư, trong đó phải kể đến Đức và Thụy Điển. IMF nhấn mạnh rằng, có thể chính quyền các nước EU ban đầu đối mặt nhiều khó khăn khi đưa hàng trăm nghìn người di cư gia nhập thị trường lao động, nhưng những chính sách này sẽ tạo nên sự khác biệt. Có thể sẽ mất nhiều thời gian để nhìn thấy những tác động tích cực mà người di cư mang đến cho nền kinh tế châu Âu, song riêng việc châu lục này mở rộng vòng tay giúp đỡ người di cư hòa nhập xã hội đã góp phần quan trọng xoa dịu bầu không khí kỳ thị, bài ngoại ở lục địa già.