Indonesia và báo động về chủ nghĩa khủng bố

NDO -

NDĐT - Hơn 25 người chết và hơn 55 người bị thương trong các vụ tấn công khủng bố liên tiếp do những kẻ cực đoan có liên hệ với mạng lưới của Nhà nước Hồi giáo (IS) vào ba nhà thờ công giáo ở thành phố Surabaya và các trụ sở cảnh sát ở Surabaya, Riau tuần qua đang đặt đất nước Indonesia vào tình trạng báo động an ninh nghiêm trọng.

Người dân Yogyakarta cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ khủng bố liên hoàn ở Surabaya (ảnh: Jakartapost).
Người dân Yogyakarta cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ khủng bố liên hoàn ở Surabaya (ảnh: Jakartapost).

Cách thức khó lường

Không như các vụ tấn công trước đây do cá nhân đơn lẻ thực hiện ở quy mô hẹp như vụ ném bom xăng vào nhà thờ Protestant ở Samarinda, Đông Kalimantan năm 2016 hay vụ tấn công những người đi lễ nhà thờ ở thành phố Yogyakarta đầu năm nay, các vụ tấn công đẫm máu lần này được thực hiện có tổ chức, quy mô rộng hơn và đặc biệt đều do các thành viên trong một gia đình thực hiện. Khó lường hơn khi phụ nữ và trẻ em, những đối tượng ít bị nghi ngờ nhất, cũng trở thành những kẻ thực hiện tấn công khủng bố.

Theo báo cáo của cảnh sát Indonesia, ba vụ đánh bom đẫm máu ba nhà thờ công giáo ở Surabaya sáng chủ nhật do một gia đình gồm sáu thành viên thực hiện, trong đó có hai trẻ em 9 tuổi và 12 tuổi. Trong vụ nổ bom tự chế ở khu vực Sidoarjo, cách Surabaya 9km, cảnh sát cho rằng gia đình này đang chuẩn bị tấn công đồn cảnh sát. Vụ tấn công trụ sở cảnh sát Surabaya sáng thứ hai cũng do một gia đình bốn người thực hiện.

Các gia đình này đều là thành viên của nhóm khủng bố địa phương Jamaah Ansharud Daulah (JAD) trung thành với IS, và một vài người trong số này gần đây trở về Indonesia từ Syria. Chánh thanh tra Cảnh sát quốc gia Indonesia Tito Karnavian cho hay, các gia đình này tụ tập vào mỗi chủ nhật sau buổi cầu nguyện chiều tại nhà của tên Dita Oeprianto, kẻ cầm đầu vụ đánh bom liên hoàn ba nhà thờ ở Surabaya, để học cách chế tạo bom, dạy những đứa trẻ các tư tưởng hồi giáo cực đoan. Những đứa trẻ trong mạng lưới này bị cách li với xã hội, không được đến trường học và thường xuyên được xem các đoạn phim thánh chiến bạo lực.

Đáng chú ý, các vật liệu nổ được nhóm khủng bố sử dụng là loại khó phát hiện bằng máy phát hiện bom mìn hay tia X. Vụ đánh bom tự sát liên hoàn vào ba nhà thờ ở Surabaya, Đông Java sử dụng loại chất nổ TATP, có sức công phá lớn hơn chất nổ TNT. Được gọi là “Mẹ của quỷ satan”, TATP được chế tạo từ những vật liệu có sẵn ngoài thị trường và dễ dàng phát nổ khi gặp nhiệt độ cao hay rung lắc mạnh mà không cần tới kíp nổ.

Tướng Tito cho biết, loại chất nổ này được những kẻ khủng bố ưa chuộng và đã được sử dụng trong một số vụ tấn công khủng bố đẫm máu như vụ đánh bom ga tàu London 2005, vụ đánh bom liên hoàn ở Paris 2015, vụ đánh bom ở sân bay Brussels 2016, và vụ đánh bom sân vận động Manchester hồi năm ngoái.

Trong đợt truy quét nhà riêng của Tri Murtiono, kẻ chủ mưu vụ đánh bom trụ sở cảnh sát Surabaya, cảnh sát đã thu giữ và vô hiệu hóa 54 quả bom loại này.

Trả thù và gây thanh thế

Cảnh sát Indonesia nhận định, các vụ đánh bom đẫm máu liên hoàn ba nhà thờ và trụ sở cảnh sát ở Surabaya, Đông Java, và vụ bạo loạn khiến sáu cảnh sát thiệt mạng tại nhà tù Mako Brimob ở Depok, Tây Java là nhằm trả thù cho việc bắt giữ và xét xử thủ lĩnh Aman Abdurrahman và thủ lĩnh thứ hai Zaenal Anshari của nhóm khủng bố Jamaah Ansharud Daulah (JAD).

JAD là nhóm khủng bố địa phương trung thành với IS lớn nhất Indonesia. Nhóm này đã thực hiện một loạt các vụ tấn công khủng bố trên khắp Indonesia, trong đó có vụ xả súng và đánh bom liều chết vào đồn cảnh sát ở đường Thamrin, trung tâm thủ đô Jakarta tháng 1-2016.

Aman và đội quân của hắn tin rằng tất cả lực lượng an ninh không thể được coi là các tín đồ Hồi giáo, bởi những người này có thể bị tịch thu tài sản và máu của họ có thể đổ.

Các chuyên gia cũng nhận định, một loạt vụ tấn công khủng bố vừa qua của JAD cũng là lời thách thức với lực lượng an ninh về khả năng tấn công của chúng bất chấp thủ lĩnh bị bắt giữ.

Cũng nằm trong kế hoạch trả thù cho các thành viên của mạng lưới Nhà nước Hồi giáo của Indonesia (NII) ở Riau trung thành với IS đang bị giam giữ tại nhà tù Mako Brimbob ở Denpok, bốn thành viên của NII đã thực hiện vụ tấn công trụ sở cảnh sát Riau trên đảo Sumatra sáng 16-5 khiến một nhân viên cảnh sát thiệt mạng.

Ngay sau đó, IS đã nhận trách nhiệm các vụ tấn công đẫm máu liên tiếp ở Surabaya và Riau. Điều này cho thấy sự hiện diện ngày càng sâu rộng của chúng ở quốc gia có đông người Hồi giáo lớn nhất thế giới này.

Báo động an ninh

Từ sau vụ khủng bố Thamrin năm 2016, lực lượng chống khủng bố Indonesia Densus 88 đã truy quét bắt giữ nhiều thành viên JAD và các tổ chức cực đoan trung thành với IS trên khắp đất nước Indonesia. Tuy nhiên, khả năng tấn công những kẻ khủng bố dường như không hề giảm sút, chúng hoạt động tăng cường trở lại với tổ chức quy mô hơn và gây bất ngờ lớn hơn. Bằng chứng là sau loạt vụ đánh bom liên hoàn vào ba nhà thờ ở thành phố Surabaya sáng chủ nhật, bất chấp an ninh đã được thắt chặt, cảnh báo an ninh được đặt ở mức cao nhất trên toàn quốc, người dân đất nước vạn đảo vẫn liên tiếp bị rúng động bởi vụ đánh bom vào trụ sở cảnh sát Surabaya ngay sáng thứ hai và vụ tấn công vào trụ sở cảnh sát tỉnh Riau, đảo Sumatra hai ngày sau đó.

Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu vừa qua, lực lượng chống khủng bố Densus 88 đang nỗ lực đẩy mạnh truy quét các mạng lưới khủng bố. Nhiều phần tử đã bị bắn chết, bị bắt, nhiều thiết bị bom tự chế, vũ khí sát thương bị thu giữ. Trong lúc đó, Tổng thống Jokowi cũng hối thúc Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua luật mới về chống khủng bố vào phiên họp ngày 18-5 nhằm tăng công cụ pháp lý cho lực lượng chống khủng bố nhưng rõ ràng vấn đề an ninh của Indonesia chưa bao giờ bị đặt trong tình trạng báo động như hiện nay khi một loạt sự kiện quốc tế và trong nước sắp diễn ra tại đây.

Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng tới, Indonesia sẽ là nước chủ nhà của Asian Games, sẽ có hơn 15 nghìn vận động viên đến từ 45 quốc gia tranh tài. Trong tháng 11, hòn đảo du lịch Bali sẽ diễn ra cuộc họp hàng năm của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Tác động từ các vụ tấn công khủng bố vừa qua sẽ làm phức tạp các nỗ lực bảo đảm an ninh cho sự kiện này.

Cơn rúng động khủng bố cũng xảy ra đúng thời điểm tăng cường của các cuộc vận động chính trị cho các cuộc bầu cử địa phương ở một số tỉnh, trong đó có Đông Java. Năm tới, khi cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia diễn ra, thách thức an ninh sẽ lớn hơn nữa. Cùng với đó, trong bối cảnh IS bị đẩy lùi ở Trung Đông và tuyên bố tham vọng thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Indonesia, các cuộc tấn công những ngày qua thực sự là hồi chuông báo động với nhà chức trách Indonesia trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.