Điểm thời sự

I-ta-li-a chật vật vượt qua sóng gió

I-ta-li-a là một trong số những quốc gia ở khu vực châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu khả quan, giới chức đất nước hình chiếc ủng tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm giảm sự lây nhiễm của vi-rút gây Covid-19, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tìm cách vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm sút.

Người dân tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 khi đến một điểm du lịch ở thủ đô Rô-ma, I-ta-li-a. Ảnh | TÂN HOA XÃ
Người dân tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 khi đến một điểm du lịch ở thủ đô Rô-ma, I-ta-li-a. Ảnh | TÂN HOA XÃ

Như nhiều quốc gia khác ở “lục địa già”, I-ta-li-a đã trải qua một năm khó quên với những ngày chống chọi với đại dịch Covid-19. Đã từng có thời điểm, quốc gia này là “tâm điểm” dịch bệnh ở châu Âu. Đến nay, I-ta-li-a vẫn cùng các nước châu Âu nỗ lực ứng phó làn sóng dịch thứ ba tại khu vực, song những kinh nghiệm đương đầu với dịch bệnh trong một năm qua cùng việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đã khiến người dân nước này bớt hoang mang về chặng đường chiến đấu với dịch bệnh còn dài phía trước. Hiện tại, I-ta-li-a đã thiết lập hệ thống gồm bốn thang bậc về phòng dịch, gồm mầu trắng, vàng, cam và đỏ. Tại những nơi được xếp vào danh sách vùng đỏ như vùng Cam-pa-ni-a, Ba-xi-li-ca-ta và Mô-li-xê, các quán rượu, nhà hàng, trường học và viện bảo tàng đều phải đóng cửa. Viện Y tế cấp cao của I-ta-li-a cảnh báo, chỉ số đo lường tỷ lệ lây lan Covid-19 tại nước này đã tăng lên mức 1,06, lần đầu vượt mức 1,0 trong vòng bảy tuần. 

Chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đã được I-ta-li-a triển khai từ tháng 1-2021, đến nay đã phân bổ hơn 6,5 triệu liều vắc-xin khắp toàn bộ lãnh thổ. Để thúc đẩy việc tiêm chủng, Cơ quan Bảo vệ dân sự I-ta-li-a lên kế hoạch bổ sung hàng nghìn y sĩ, bác sĩ và nhân viên y tế cho chiến dịch này. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại của nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có I-ta-li-a, chính là sự chậm trễ giao hàng từ các nhà sản xuất vắc-xin. Truyền thông Mỹ gần đây cảnh báo, Liên hiệp châu Âu (EU) có thể thiệt hại tới 100 tỷ ơ-rô do sự chậm chạp trong tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Trước tình hình này, I-ta-li-a đã có một động thái quyết liệt nhằm phản đối việc các hãng dược không giao hàng theo đúng hợp đồng. Theo đó, I-ta-li-a đã ngăn chặn Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (Anh) xuất lô hàng gồm 250 nghìn liều vắc-xin ngừa Covid-19 sang Ô-xtrây-li-a sau khi tập đoàn này không đáp ứng những cam kết theo hợp đồng với EU. Bộ Ngoại giao I-ta-li-a tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục ngăn chặn hoạt động xuất khẩu vắc-xin từ EU khi tình trạng trì hoãn vẫn xảy ra trong chuỗi cung ứng. Đây là lần đầu một quốc gia trong EU sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vắc-xin do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi đầu năm nay nhằm cấm xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 sản xuất trong lãnh thổ EU. 

Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế I-ta-li-a, thành viên Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), rơi vào cảnh sa sút. Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của I-ta-li-a sụt giảm 8,9% và nợ công tăng lên mức tương đương 155,6% GDP. Những diễn biến phức tạp trên chính trường I-ta-li-a thời gian qua, trong lúc dịch bệnh hoành hành và kinh tế suy giảm, khiến người dân nước này mệt mỏi. Bởi vậy, người dân trông chờ chính phủ mới của Thủ tướng I-ta-li-a M.Đra-ghi có thể vực dậy nền kinh tế bằng các quyết sách hiệu quả, đồng thời khống chế tốt dịch bệnh để sớm đưa họ trở về với nhịp sống bình thường. Sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông M.Đra-ghi đã trình bày tổng thể chính sách của chính phủ mới với 10 điểm ưu tiên, trong đó đáng chú ý là các biện pháp cải cách hệ thống hành chính công, tư pháp, thuế; đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số; thúc đẩy phát triển bền vững kết hợp với bảo vệ môi trường. Thủ tướng M.Đra-ghi cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy việc xây dựng một kế hoạch ngân sách chung cho Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). 

Dư luận mong đợi rằng, những kinh nghiệm về ứng phó dịch Covid-19 trong suốt một năm qua sẽ giúp Chính phủ I-ta-li-a đưa ra những chính sách hợp lý, hiệu quả trong thời gian tới, để quốc gia này từng bước vượt qua làn sóng dịch bệnh thứ ba. Thủ tướng I-ta-li-a M.Đra-ghi, một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, cũng được tin tưởng sẽ chèo lái đất nước vượt qua sóng gió, củng cố vị thế của I-ta-li-a trong bối cảnh nước này đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm nay.