“Hộ chiếu vắc-xin”

Một liên minh các công ty và tổ chức y tế có tiếng trên thế giới, trong đó có Mayo Clinic, Microsoft, Oracle và Salesforce, mới đây đã công bố sáng kiến cấp giấy chứng nhận vắc-xin, theo đó người được cấp chứng nhận này có thể sử dụng điện thoại thông minh để chứng thực việc họ đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Chứng nhận nêu trên còn được gọi là “hộ chiếu vắc-xin” - một cách thức để hỗ trợ người dân khôi phục trạng thái bình thường trong đi làm, đi học, tham dự các sự kiện và đi du lịch. Thậm chí, đây sẽ là “phao cứu sinh” cho nhiều ngành kinh tế và người lao động đang trong cảnh “sống dở, chết dở” vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sáng kiến này đang vấp phải các luồng ý kiến trái chiều. Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô cho biết chính phủ của ông không có kế hoạch áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và nêu rõ đây là một ý tưởng “thú vị nhưng cũng đầy thách thức”. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của iProov thì cảnh báo loại “hộ chiếu” này có thể gây ra nhiều vấn đề chính trị - xã hội như nạn phân biệt đối xử, tình trạng đặc quyền và sự kỳ thị đối với nhóm người trẻ tuổi do họ sẽ là nhóm cuối cùng trong danh sách tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19.

Trong bối cảnh thế giới đang cần nối lại các huyết mạch kinh tế như hiện nay, việc quá thận trọng với những sáng kiến như “hộ chiếu vắc-xin” có thể làm mất cơ hội sớm phục hồi của nhiều ngành kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì tranh luận, các nước nên thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin”, nhưng không nên bắt buộc người dân tham gia chương trình và bên cạnh đó nên sử dụng thêm bộ xét nghiệm nhanh Covid-19.