EU 2017: Một năm chật vật thăng trầm

NDO -

NDĐT - 2017 là năm "con tàu EU" lênh đênh trên sóng, với nhiều thăng trầm, nhiều biến động trên các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, đến kinh tế, xã hội.

Trụ sở EU tại Brussels (Bỉ) (Ảnh : L’epresse).
Trụ sở EU tại Brussels (Bỉ) (Ảnh : L’epresse).

Có quá nhiều thách thức dồn đến Liên hiệp châu Âu (EU) năm vừa qua trong khi lãnh đạo khối này vẫn loay hoay mà chưa tìm được giải pháp hiệu quả. Dường như con tàu EU đang bị thiếu-bánh-lái-định-hướng để có thể tiến nhanh về phía trước. EU đang thiếu một chiến lược chung để cùng hành động và đặc biệt là thiếu sự nhất quán, thiếu tiếng nói chung.

Liên hiệp châu Âu trải qua năm 2017 với hàng loạt sự kiện, nhiều thách thức và biến động: kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome khai sinh EU, chính thức khởi động các thủ tục đàm phán về việc nước Anh rời khỏi EU, vấn đề di cư, nhập cư...

EU 2017: Một năm chật vật thăng trầm ảnh 1
Lãnh đạo EU kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome (Ảnh: Lyon.fr)

Nền chính trị Liên hiệp châu Âu năm qua có những biến động lớn, với những cuộc bầu cử phức tạp tại một số nước thành viên. Nhiều cuộc bầu cử diễn ra, với sự lớn mạnh chưa từng có các phong trào, các đảng phái cực hữu, dân tộc, phản đối hội nhập châu Âu và ly khai. Trong cuộc bầu cử tại Áo (tháng 10-2017), Đảng Nhân dân mới (OVP) có quan điểm hạn chế nhập cư và Đảng Tự do (FPO) cực hữu, phản đối nhập cư đã giành chiến thắng và liên minh lập chính phủ mới. Ở Hà Lan, dù giành được ít ghế hơn so với dự đoán trong cuộc bầu cử ngày 15-3-2018, Đảng Tự do chống EU của ông Geert Wilder vẫn thể hiện sự vượt trội và trở thành đảng phái đối lập chính tại quốc gia Tây Bắc châu Âu này.

Ở Pháp, Mặt trận dân tộc (FN) cực hữu của bà Marine Le Pen cũng giành thắng lợi bất ngờ trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống (tháng 4-2017) để bước vào vòng hai. Cho dù bà Le Pen không giành chiến thắng chung cuộc, nhưng cả FN và bà Le Pen đã tiến sát tới bậc cao danh vọng của nước Pháp. Điều này khẳng định vị thế của FN cực hữu ngày càng mạnh mẽ trên chính trường Pháp và cũng trở thành đảng lớn nhất nhì tại Pháp, trong khi Đảng Xã hội cánh tả (PS) vốn là đảng cánh tả đối lập chính thì gánh thất bại. Cuối cùng, nhân vật trẻ trung Emmanuel Macron, một nhân tố mới, với quan điểm tân tiến, trở thành lãnh đạo nước Pháp.

Chính trường nước Đức cũng có nhiều diễn biến rắc rối và không thuận đối với chính Thủ tướng Angela Merkel cũng như Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà. Đảng của bà Merkel bị suy yếu sau khi số ghế tại Hạ viện Đức giảm trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9-2017, một phần vì quyết định mở cửa biên giới đón hơn một triệu người xin tị nạn năm 2015. Ngay trước bầu cử, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả (đảng lớn thứ hai tại Quốc hội Đức) đã từ chối bắt tay với Đảng của bà Merkel để lập chính phủ đại liên hiệp như trước. Trong khi đó, bà Merkel không muốn liên minh với Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) cực hữu - đảng lớn thứ ba tại Quốc hội. Việc nền kinh tế lớn nhất EU không thể lập được chính phủ mới có thể tác động tiêu cực đến một loạt vấn đề: cải cách khu vực đồng euro, chính sách của EU đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ... Nỗ lực lập chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Merkel đang gặp trở ngại lớn sau khi một đối tác tiềm tàng rút khỏi đàm phán, đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị.

Chính trường Italia cũng phức tạp không kém khi chuẩn bị tiến hành bầu cử vào đầu năm 2018. Hai đảng dẫn đầu trong cuộc tranh cử trước đó đã từng kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Chính trường Tây Ban Nha cũng bị khủng hoảng liên quan tới vấn đề Catalonia (vùng đất phía Đông Bắc) đòi độc lập.

EU 2017: Một năm chật vật thăng trầm ảnh 2

Bản đồ EU (Ảnh: europa.eu)

Quan sát trên toàn cục có thể thấy, thể chế và hoạt động của EU ngày càng không được nhiều cử tri cũng như chính phủ các nước thành viên ủng hộ. Việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) là minh chứng. Cho dù Brexit gây cho nước Anh nhiều thiệt hại hơn so với 27 nước thành viên còn lại của EU, nhưng là mối đe dọa lớn đối với tương lai phát triển, mở rộng của khối này. Một số chính trị gia uy tín tại các nước thành viên EU khác có quan điểm ủng hộ quyết định của nước Anh. Và có thể có những nước khác cũng sẽ đưa ra quyết định như nước Anh trong tương lai. Khi đó EU chưa biết sẽ ra sao!

Đáng chú ý là trong nhiều cuộc bỏ phiếu liên quan tới EU, tỷ lệ cử tri ủng hộ và không ủng hộ tại các nước thành viên gần như ngang nhau, thậm chí có không ít người do dự, không đi bỏ phiếu. Khủng hoảng chính trị cùng với khủng hoảng kinh tế tại khu vực đang làm phức tạp thêm tình hình, nguy hiểm hơn là người dân vì thế quay sang ủng hộ các đảng phái dân tộc, cực hữu. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì nguy cơ đổ vỡ đối với các kế hoạch hành động, thể chế hay các quy định, quyết sách của EU sẽ khó có thể lường được.

Thực tế, các thể chế, định chế, cơ cấu của EU liên tục không ổn định, và có thể nói là kém hiệu quả, cho dù đã có ít nhiều cải tổ hoạt động và Ủy ban châu Âu dưới sự lãnh đạo của ông Jean-Claude Juncker, với sự quyết đoán, mạnh mẽ.

Năm 2017 trôi qua, song lãnh đạo EU vẫn đang lúng túng xoay sở để có thể tìm ra những giải pháp phù hợp cho một Liên hiệp châu Âu nhất thể hóa, liên kết chặt chẽ. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng này, những sáng kiến mới về một dự án cải cách châu Âu của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel được lãnh đạo EU và nhiều người quan tâm.

Vấn đề là xây dựng mô hình gắn kết nào phù hợp, cơ chế linh hoạt hơn trong việc áp dụng đối với từng quốc gia. Muốn vậy, cần căn cứ vào thực tế cơ cấu của khối. Trong 27 nước thành viên EU, chỉ có một số ít nước muốn liên kết sâu hơn về cả chính trị và kinh tế. Thêm nữa, các nước thành viên EU kết nối với nhau theo nhiều cách khác nhau: tất cả 27 nước nằm trong một thị trường chung, nhưng chỉ có 26 nước tham gia liên minh ngân hàng, 22 nước thuộc khối đi lại tự do Schengen, 21 nước tham gia Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 19 nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone). Đáng chú ý, châu Âu không chỉ có các nước thuộc EU mà tất cả có 48 nước. Những nước bên ngoài EU đều có những mối quan hệ nhất định và đôi khi là quan trọng với khối này. Tính chất lỏng lẻo, không đồng nhất như vậy dẫn đến tình trạng các nước thành viên trong khối vận hành, phát triển với tốc độ khác nhau và với mục tiêu có thể không giống nhau.

Một trong những lý do khiến tình hình Liên hiệp châu Âu thêm phức tạp là nền kinh tế của khối này liên tục tăng trưởng chậm chạp, thất nghiệp ở mức cao, bất ổn xã hội. Tình trạng nợ công của Hy Lạp vẫn phức tạp. Thị trường tài chính châu Âu vẫn lo ngại về tình hình tại Italia và Pháp. Hơn nữa, nợ công trên toàn EU vẫn ở mức cao. Mặc dù Eurozone có liên minh ngân hàng, quỹ cứu trợ tập trung và ngân hàng trung ươn, nhưng cấu trúc khu vực này vẫn chưa hoàn thiện và chưa thể cải thiện tình hình.

Nhập cư, di cư cũng là vấn đề nhức nhối, khó giải quyết đối với EU trong năm qua. Hàng trăm người nhập cư trái phép vẫn vượt qua Địa Trung Hải để vào châu Âu. Việc phân bổ người nhập cư giữa các nước thành viên EU đã gây nhiều căng thẳng. Đặc biệt, lãnh đạo Đức bày tỏ thất vọng khi một số nước Trung-Đông Âu từ chối nhận người nhập cư.

Trên thực tế, EU cũng bị tác động mạnh bởi tình hình phức tạp và biến động về địa chính trị trên thế giới.

Về kinh tế, đồng euro tiềm ẩn nhiều nguy cơ đổ vỡ nếu tiếp tục nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó là nguy cơ từ cuộc khủng hoảng mới ở Hy Lạp, sự lớn mạnh của các đảng phái chống hội nhập châu Âu ở một số nước như Pháp hay Italia, và những xáo trộn chính trị ở các nước Đông Âu. Đối với EU, việc thành lập một liên minh ngân hàng mang ý nghĩa quan trọng, bởi nó sẽ là một minh chứng về sự hội nhập sâu rộng và tinh thần đoàn kết nội khối.

Thành công lớn của EU năm qua là việc ký kết thỏa thuận quốc phòng về Cấu trúc hợp tác thường xuyên (PESCO), với sự tham gia của 23 nước thành viên EU (trừ Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha, Malta và Anh). Đây là cam kết quan trọng của các nước thành viên nhằm hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn trong bối cảnh xảy ra xung đột nghiêm trọng, đồng thời là biểu tượng của sự đoàn kết trong khối.

Về đối ngoại, EU nhất trí về việc gia hạn lệnh cấm vận đối với Nga cũng như trong thỏa thuận hạt nhân với Iran. Quan hệ EU-Mỹ năm qua cũng không mặn mà do những quan điểm trái ngược của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về một số vấn đề của EU và khu vực liên quan tới chính trị, kinh tế, quân sự. Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác của EU, cũng gặp trở ngại. EU luôn muốn Thổ Nhĩ Kỳ bên mình nhưng vẫn duy trì áp lực cải cách đối với quốc gia này.

Năm 2017 đánh dấu nhiều sự kiện đối với Liên hiệp châu Âu, vui buồn đan xen. Song, những vấn đề nổi lên ngay trong lòng EU khiến vị thế, vai trò của khối EU dường như đang bị giảm xuống trước sự lớn mạnh của một số đối trọng khác, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc... Trong thời gian tới, nếu hình ảnh một EU nhất thể hóa không được cải thiện thì uy tín của khối này sẽ ngày càng sụt giảm, vị thế, vai trò ngày càng bị lung lay trước sự lớn mạnh của lực lượng cực hữu, dân tộc. Các nhà lãnh đạo EU sẽ phải cùng hợp lực đồng tâm để tìm giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết thấu đáo những vấn đề tồn tại trong khối.