Đừng để quá muộn!

Ngày Trái đất (22-4) hằng năm là dịp nhắc nhớ thế giới về những giá trị mà thiên nhiên dành tặng cho hành tinh, qua đó triển khai các giải pháp nhằm giữ gìn môi trường tự nhiên. Chủ đề "Bảo vệ các giống loài" của Ngày Trái đất năm nay gióng lên hồi chuông mới, về ý thức bảo vệ các loài động vật, thực vật trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Không còn là cảnh báo, tuyệt chủng hàng loạt đang đe dọa tất cả các loài sinh vật trên thế giới. Báo cáo của Liên đoàn Bảo tồn thế giới (IUCN) chỉ ra rằng, gần 60% trong số 504 loài linh trưởng, động vật "gần gũi" nhất với con người, đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Thực tế mỗi năm Trái đất mất đi từ một đến năm loài sinh vật giờ đã là câu chuyện cũ; và thế giới hiện chứng kiến tốc độ tuyệt chủng lớn nhất kể từ thời điểm loài khủng long biến mất hơn 60 triệu năm về trước. Nếu kịch bản "tuyệt chủng hàng loạt" lặp lại, loài người không thể đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, như thiên thạch tiến công, hay khí hậu thay đổi đột ngột... Bởi lẽ, "cánh cửa" dẫn tới thảm họa này phần lớn lại do chính con người mở ra, từ các hoạt động như phá rừng, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững, gây mất cân bằng môi trường sống, ô nhiễm môi trường...

Không còn nhiều thời gian để chần chừ triển khai các giải pháp nghiêm túc, trong một nỗ lực toàn cầu nhằm kìm hãm "cơn lốc tuyệt chủng các loài", qua đó còn bảo vệ chính con người khỏi những thảm họa trong tương lai, trước khi quá muộn.