Cuộc chiến buộc phải thắng!

Chính phủ Phần Lan vừa công bố chương trình hành động mới, nhằm loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải CO2 vào năm 2035, sớm hơn 10 năm so mục tiêu trước đây. Trong khi đó, để giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường mỗi năm xuống bốn triệu tấn, từ mức 30 triệu tấn hiện nay, Chính phủ Chile cũng lên kế hoạch đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện. Đó là những cam kết cụ thể của một số quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6).

Liên hợp quốc ước tính, 95% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí độc hại; mỗi năm có tới 6,5 triệu người chết và kinh tế thế giới thiệt hại khoảng năm nghìn tỷ USD vì ô nhiễm không khí. Những “con số báo động” này thúc giục Liên hợp quốc chọn chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” cho Ngày Môi trường thế giới năm 2019, kêu gọi các quốc gia, các cộng đồng xã hội chung tay hành động để cải thiện chất lượng không khí trên toàn thế giới.

Trong thông điệp nhắc nhớ trách nhiệm bảo vệ môi trường, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay liên quan trực tiếp tình trạng ô nhiễm không khí, nhiều tác nhân hủy hoại chất lượng không khí cũng là “thủ phạm” làm tăng nhiệt độ Trái đất. Đối phó thách thức này, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hay đánh thuế “gây ô nhiễm”... là các giải pháp được Liên hợp quốc khuyến cáo.

Trái đất ấm lên kéo theo những hiểm họa chưa từng có và ngày một tồi tệ. Bởi thế, theo Liên hợp quốc, chống biến đổi khí hậu phải được nhìn nhận như “cuộc chiến sinh tồn”, mà nhân loại buộc phải thắng trước khi quá muộn.