“Bức tranh màu xám” của kinh tế toàn cầu

Dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, với dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay sẽ bị suy giảm. Các tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức khu vực và các nước tiếp tục tìm cách hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, song không tránh khỏi “bóng mây” bao phủ nền kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia họp bàn về kinh tế toàn cầu. Ảnh News1English
Các chuyên gia họp bàn về kinh tế toàn cầu. Ảnh News1English

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, dịch Covid-19 gây ra nguy cơ nghiêm trọng và sẽ làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống thấp hơn mức 2,9% của năm trước. Dịch bệnh này không còn là vấn đề khu vực mà đã trở thành vấn đề toàn cầu và cần phản ứng chung. Tác động của dịch bệnh tới niềm tin của thị trường và các biện pháp nhằm hạn chế dịch lây lan đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng giảm sút nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. OECD giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 còn 2,4%, so với dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 11-2019. Với kịch bản tình hình dịch bệnh không xấu thậm tệ và kinh tế Trung Quốc sẽ sụt giảm trong năm nay, OECD dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới trong năm 2020 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, ở mức 4,9% - giảm so với dự báo 5,7% được cơ quan này đưa ra trước đó. Tại khu vực đồng ơ-rô, OECD dự báo kinh tế châu Âu trong năm 2020 tăng trưởng 0,8%, giảm so với mức dự báo 1,1% đưa ra hồi tháng 11-2019.

Trước những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu, toàn bộ 189 quốc gia thành viên của IMF đã cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để giúp các quốc gia khắc phục tác động của dịch bệnh. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết dành gói tài chính khẩn cấp hàng chục tỷ USD để cung cấp cho các quốc gia thành viên có thể cần hỗ trợ, đồng thời nhấn mạnh cần giúp những nước dễ bị tổn hại nhất. Hiện IMF đã dành khoảng 50 tỷ USD thông qua các cơ chế cung cấp tài chính khẩn cấp giải ngân nhanh đối với các nước có thu nhập thấp hoặc là thị trường mới nổi, trong đó 10 tỷ USD dành để hỗ trợ không lãi suất cho những nước nghèo nhất. WB tuyên bố có sẵn 12 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia ứng phó dịch bệnh. Sự hỗ trợ của WB sẽ bao gồm cả cung cấp tài chính khẩn cấp, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, trong đó đặc biệt ưu tiên các nước nghèo nhất cũng như các nước năng lực yếu kém và có nguy cơ cao bị tổn hại.

Các ngân hàng trung ương đưa ra những tín hiệu có thể xoa dịu thị trường tài chính hiện đang chịu nhiều áp lực thông qua tuyên bố sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng khả năng thanh khoản cho các ngân hàng nếu thấy cần thiết. Trên thực tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã sẵn sàng đưa ra biện pháp trong trường hợp cần thiết. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi, sự ứng phó đồng bộ của các ngân hàng trung ương trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy tới 0,5% mức tăng trưởng trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thêm 1,2% trong hai năm.

Trước "bức tranh màu xám" của nền kinh tế thế giới, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng có biện pháp ứng phó tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Theo đó, chính phủ các nước cần hỗ trợ hệ thống y tế bằng cách trả thêm thu nhập và giảm thuế cho những người phải làm việc quá thời gian hoặc đang theo cơ chế làm việc ngắn hạn cho các công ty hiện đang phải chật vật duy trì sự tồn tại do nhu cầu hàng hóa sản xuất giảm. Chính phủ các nước cũng cần hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua cắt giảm chi phí đầu vào, ngừng đánh thuế giá trị gia tăng và cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho những ngành đặc biệt gặp khó khăn. Mọi công cụ chính sách phù hợp cần được đưa ra nhằm giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại cho nền kinh tế các nước nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.