Báo Nga đánh giá cao nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam

NDO -

NDĐT - Ngày 19-4, báo "Mùa xuân nước Nga" đã có bài viết ca ngợi những thành quả đáng khích lệ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của chính phủ và nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gọi đây là "Phép nhiệm màu Việt Nam".

Báo Nga đánh giá cao nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam

Dưới nhan đề "Phép nhiệm màu Việt Nam - cách một dân tộc quả cảm chiến thắng đại dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam", bài báo cho biết, với dân số 100 triệu người, mật độ dân số đông, có đường biên giới chung với Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng đến nay Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 260 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó bao gồm 200 ca đã được chữa khỏi. Tốc độ lây lan của dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng rất thấp. Cụ thể, cho đến hết ngày 18-4, theo dữ liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 Việt Nam, lần đầu tiên kể từ tháng 3, không có bệnh nhân Covid-19 mới nào được ghi nhận trong vòng 48 giờ.

Đồng thời, cho đến nay, tại Việt Nam cũng chưa hề có ca tử vong do Covid-19 nào, giúp tình hình ở Việt Nam trở nên khác biệt đáng kể so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nơi số người nhiễm bệnh lên tới hàng nghìn và hàng chục nghìn cùng số người chết cao đáng kể.

Bài báo dẫn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 3, kêu gọi "toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19". Theo lời kêu gọi đó: "Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này".

Tác giả bài báo cũng đánh giá cao việc kiểm soát tình hình dịch ở Việt Nam: "Tại Việt Nam, tình hình dịch được kiểm soát tốt; người dân từ các vùng dịch được kiểm tra; việc cách ly kịp thời được tổ chức; các trường hợp lây nhiễm được phát hiện sớm, và hàng chục bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị thành công. Ngay từ cuối tháng 3, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành một phiên họp đặc biệt nhằm thảo luận công tác chống dịch".

Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 1, và đây là sự khởi đầu của làn sóng Covid-19 đầu tiên ở quốc gia này, kéo dài cho tới giữa tháng 2. Trong giai đoạn này, đã có 16 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 được phát hiện. Tuy nhiên, nhờ đã từng phải đối mặt với các đại dịch tương tự như dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003 hoặc cúm gà H5N1 năm 2004, Việt Nam đã thu được những kinh nghiệm quý báu về việc chống dịch. Bởi vậy, những biện pháp chống lây nhiễm Covid-19 đầu tiên đã được triển khai từ rất sớm, khi số ca bệnh mới ở một con số.

Từ cuối tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Chống dịch như chống giặc". Sự minh bạch về thông tin và sự phối hợp giữa chính phủ và người dân đã giúp Việt Nam giảm thiểu được số người nhiễm bệnh. Thậm chí, ngay cả khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai từ những ca "nhập khẩu", Việt Nam cũng có sự đối phó khủng hoảng hữu hiệu, và cả nước đã tìm cách tránh không để quốc gia mình trở thành "điểm nóng" Covid-19. Sau cùng, tất cả người dân Việt Nam đều đồng lòng ủng hộ các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Theo tác giả bài báo, không giống như ở Hàn Quốc, nơi có nguồn tài nguyên kinh tế mạnh mẽ, có khả năng tiến hành xét nghiệm đại trà cho người dân để phát hiện ca lây nhiễm, Việt Nam, cùng với biện pháp xét nghiệm có chọn lọc, tập trung vào các biện pháp cứng rắn để cô lập nguồn lây nhiễm, cũng như theo dõi các trường hợp tiếp xúc với người bệnh ở các cấp thứ hai, thứ ba và thậm chí là thứ tư. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đã thực hiện hơn 120.000 xét nghiệm tìm kiếm Covid-19 nhờ việc các nhà khoa học Việt Nam đã tự phát triển và sử dụng các hệ thống xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Những bộ kit xét nghiệm này có giá phải chăng (khoảng 15 USD) và hiện đang được nhiều quốc gia quan tâm.

Bên cạnh đó, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, các biện pháp cách ly bắt buộc và huy động các sinh viên y khoa và bác sĩ nghỉ hưu tham gia chống dịch đã được áp dụng. Các trường học tiếp tục đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Công dân trở về từ các quốc gia có dịch được xét nghiệm kỹ lưỡng và buộc phải cách ly hai tuần.

Tất cả các biện pháp trên đã được triển khai sớm hơn hầu hết so với các nước khác và đồng thời với Trung Quốc, xét về mức độ bùng phát dịch. Kể từ ngày 1-4, lệnh giãn cách xã hội 15 ngày đã được áp dụng trên toàn quốc, theo đó người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết.

Hơn thế nữa, người dân cũng không được phép tụ tập quá hai người tại các địa điểm công cộng, và phải bảo đảm đứng cách xa nhau ít nhất là hai mét. Người dân Việt Nam cũng được huy động để chống dịch. Các chuyên gia nước ngoài tin rằng các loại thuốc men, dịch vụ y tế nói chung hoạt động hết sức hữu hiệu ở Việt Nam.

Tờ "Mùa xuân nước Nga" cho biết, cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam cũng đi kèm các biện pháp hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ. Hồi đầu tháng 3, Chính phủ đã công bố gói biện pháp hỗ trợ nền kinh tế với khoản ngân sách lên tới 1,2 tỷ USD nhằm giúp Việt Nam duy trì là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, bất chấp thực tế rằng khó có thể duy trì được mức tăng trưởng kinh tế 7% như năm 2019, nhưng tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm nay vẫn rất ấn tượng. Theo các chuyên gia của ADB, GDP của Việt Nam sẽ chỉ tăng khoảng 4% trong năm nay, bởi vậy Việt Nam vẫn giữ được vị trí là một trong những đầu tàu cho sự phát phát triển kinh tế khu vực.

Tác giả bài báo kết luận, nếu có thể đối phó được với đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu, trong năm tới tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ trở lại mục tiêu 6,8% và sẽ duy trì nhịp độ cao trong trung hạn và dài hạn. ADB tin rằng tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và khu vực kinh tế tư nhân sẽ trở thành những động lực chính cho sự phát triển này.