Vừa thoáng, vừa siết

Đó là quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài. “Thoáng” được hiểu là doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư được tạo điều kiện đầu tư ra nước ngoài. Nhưng không vì thế mà không “siết” chặt quản lý với những vấn đề cần siết, như quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Điều đáng nói, hiện có ngày càng nhiều DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là kể từ năm 2015 đến nay. Trước thời điểm này, đây là “cuộc chơi” do các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, như khai khoáng, năng lượng, viễn thông… dẫn dắt. Năm năm trở lại đây, các DN tư nhân đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, chính việc chưa nhiều cách hiểu khác nhau về vốn đầu tư ra nước ngoài, đã làm khó cả cơ quan quản lý và cả nhà đầu tư.

Để giải nút thắt này, Bộ KHĐT tập trung vào định nghĩa một cách thống nhất và rõ ràng về “vốn đầu tư ra nước ngoài”. Theo đó, Dự thảo đưa ra hai phương án định nghĩa, trong đó vốn đầu tư ra nước ngoài là tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư hoặc do nhà đầu tư huy động để chuyển ra nước ngoài nhằm thực hiện hoạt động tư ở nước ngoài. Điểm khác biệt giữa hai phương án là xác định có hay không bao gồm “tiền cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài”. Tuy nhiên, về vấn đề này có hai luồng ý kiến. Trong khi đại diện một số DN thống nhất với phương án “không bao gồm các khoản vay và bảo lãnh” nêu trên thì vẫn có ý kiến như của đại diện Viettel nghiêng về phương án “có bao gồm”. Nếu Dự thảo Nghị định quy định, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài, rất khó bởi với DN đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn, việc mua bán cổ phần diễn ra tự do, chỉ cần một nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần của DN, cũng sẽ bị ràng buộc bởi quy định này. Do đó, có kiến nghị nên xây dựng quy định cụ thể hơn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở trường hợp này.

Một nội dung khác cũng được DN quan tâm đó là quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh bất động sản. Theo dự thảo Nghị định, nhà đầu tư phải là DN thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới được phép đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Điều này từ góc độ của đơn vị xây dựng văn bản là giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản chỉ để định cư ở nước ngoài. Dẫu vậy, quy định này chưa đủ chặt bởi nhà đầu tư có thể lách luật bằng cách thành lập một công ty của cá nhân đầu tư ra nước ngoài, khi công ty giải thể, bất động sản đó sẽ lại thuộc về cá nhân đó.

Dự thảo Nghị định dự kiến gồm 6 chương với 47 điều, trong đó sửa đổi 23 điều, bổ sung mới 7 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 1 điều, đang ở khâu lấy ý kiến của cộng đồng DN và nhà đầu tư. Những điểm DN còn đang băn khoăn sẽ cần được nghiên cứu kỹ bởi quản chặt là cần thiết, nhưng siết thế nào cho hợp lý, khả thi rất cần đến một sự lắng nghe, cầu thị từ cơ quan soạn thảo.