Động lực cải cách

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) dự kiến được phê chuẩn tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Trong bản báo cáo có tựa đề “Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA” vừa được công bố vào ngày 19-5, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm 100.000 - 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030. Những lợi ích này là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19.

Báo cáo này cũng đưa ra khuyến nghị, lợi ích từ việc tham gia những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ còn lớn hơn nữa nếu Việt Nam thực hiện quá trình cải cách nhằm tuân thủ những điều khoản không liên quan đến thuế quan trong các hiệp định này. Theo một ước tính của WB, chi phí tuân thủ đầy đủ các biện pháp phi thuế quan hiện hành ở Việt Nam có mức thuế suất tương đương là 16,6% (cao hơn so với mức bình quân của khu vực là 5,4%).

Do đó, WB nhấn mạnh rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực thực thi sẽ tạo ra “cú huých năng suất”, giúp GDP tăng thêm 6,8% so kịch bản cơ sở vào năm 2030. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam bày tỏ: “Nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại thế hệ mới, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử”. Thậm chí ông Ousmane Dione còn nói một cách hình ảnh: “Covid-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc của nền kinh tế”.

Cần phải nói rằng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn nêu cao quyết tâm cải cách, đặc biệt tập trung vào cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh. Trên thực tế, quá trình này đã mang lại cho Việt Nam những cơ hội phát triển mạnh mẽ cũng như đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hội nhập ngày một sâu rộng hơn. Tuy nhiên, cải cách là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự bền bỉ đồng lòng từ cả hệ thống chính trị, lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng không ngoại lệ.

Những khuyến nghị cải cách được WB tập trung vào ba vấn đề chính bao gồm: các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư. Trong đó, yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua.

Chúng ta chỉ có thể thuyết phục được nhà nhập khẩu châu Âu về xuất xứ hàng hóa nếu như các DN giải quyết được sự phụ thuộc về nguyên vật liệu nhập khẩu. Muốn vậy, chỉ có cách nỗ lực liên kết giữa các đơn vị cung ứng trong nước với những công ty hàng đầu trong các chuỗi giá trị lớn trên toàn cầu. Hàng hóa của chúng ta muốn vượt qua được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chặt chẽ của châu Âu thì các biện pháp vệ sinh dịch tễ cần được cải thiện một cách minh bạch và nhất quán...

Rõ ràng, khối lượng công việc để tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua là rất lớn. “Mùa vàng” có đến hay không tùy thuộc vào quyết tâm cải cách của cả bộ máy và từ mỗi chuyển động của DN.