Điều khó hiểu

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) (Bộ Công thương) vừa đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ tính toán, đề xuất các giải pháp giải tỏa công suất 21 dự án điện mặt trời. Được biết, tổng quy mô của các dự án này đạt 1.163 MWp (tương đương 930 MW) và các dự án cũng đã hoàn thành thẩm định để chuẩn bị cho thực hiện thí điểm cơ chế xác định giá cạnh tranh các dự án điện mặt trời giai đoạn sau ngày 31-12-2020.

Tuy nhiên, 21 dự án trên chỉ là một phần trong tổng số 124 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên tới 10.862 MW đã được Bộ Công thương hoàn thành công tác thẩm định - bước đi cần thiết trước khi trình Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch điện hiện hành. Dẫu vậy, yêu cầu EVN “ưu tiên tính toán, xem xét khả năng giải tỏa công suất của 21 dự án điện mặt trời đã được thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo số 221/TB-VPCP” hay “tính toán và đề xuất giải pháp để bảo đảm khả năng giải tỏa công suất” cho cả 124 dự án trong Phụ lục II gửi kèm lại cho thấy, việc thẩm định dự án của Cục Điện lực và NLTT dường như không tính được khả năng giải tỏa công suất của dự án!? 

Điều này được giới chuyên gia nhìn nhận là “khó hiểu”, nhất là khi đã từng có khuyến nghị về việc công suất điện mặt trời vận hành trong thực tế gấp nhiều lần so với quy hoạch đặt ra trong khi lưới điện không kịp đầu tư, dẫn tới hệ số huy động công suất thấp, gây lãng phí nguồn lực của tư nhân, nhà nước lẫn nhân dân.

Theo tính toán, khi NLTT chiếm tỷ trọng 20% tổng nguồn điện, việc vận hành hệ thống sẽ đối diện với nhiều thách thức mới về tính ổn định so với các nguồn điện truyền thống. Từ chỗ chỉ đặt mục tiêu 850 MW điện mặt trời vào năm 2020 và 1.200 MW tới năm 2030, khoảng 800 MW điện gió vào năm 2020 và tăng lên mức 2.000 MW vào năm 2025 trong Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, trong ba năm qua, đã có hơn 23.000 MW điện gió và điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch điện. Ngoài ra, còn có hơn 10.000 MW điện mặt trời được Bộ Công thương thẩm định xong và đang yêu cầu EVN tính toán phương án giải tỏa nguồn điện với mục tiêu bổ sung sớm vào quy hoạch. Như vậy, so với tổng công suất 58.000 MW nguồn điện được xây dựng trong khoảng 70 năm qua của cả hệ thống, có thể thấy, đầu tư vào NLTT đã bùng nổ bất ngờ. 

Theo một tính toán của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, với 4.960 MW điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 1-7-2019, EVN đã phải mua điện với giá 9,35 UScents/kWh, chênh lệch hơn 890 triệu USD (tương đương 20.000 tỷ đồng) nếu so với giá mua điện gió. Còn nếu so mức giá 9,35 UScents/kWh với giá 7,09 UScents/kWh sau ngày này, thì con số chênh lệch cũng lên tới 3,667 tỷ USD (tương đương 80.000 tỷ đồng). Đáng nói, chỉ số ít nhà đầu tư điện mặt trời được hưởng số tiền chênh lệch này. Thêm nữa, Việt Nam càng phát triển NLTT ở giai đoạn hiện tại, thì lợi nhuận càng chảy vào túi các đối tác nước ngoài thông qua việc bán thiết bị và thi công. 

Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu “sử dụng hiệu quả các nguồn NLTT”. Muốn đo lường thế nào là hiệu quả, cần xem xét trên nhiều góc độ, tính toán một cách đầy đủ để có sự lựa chọn thích hợp và tổng thể ở tầm vĩ mô, thay vì chỉ đồng nhất NLTT là sản phẩm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”.