Ðằng sau việc hành xử của Grab

Sáng 7-12, hàng trăm lái xe, đối tác của Grab, tập trung tại trụ sở Grab ở phố Duy Tân (Hà Nội), căng khẩu hiệu nội dung nêu “Phản đối Grab tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế” - thể hiện rõ tính chất hoạt động của Grab tại Việt Nam. Ðáng nói, tinh thần của khẩu hiệu này khá tối nghĩa. Ðúng ra phải là “Yêu cầu Grab không thu thêm tiền đối tác để nộp thuế VAT”.  

Trước đó, Grab đã thay đổi chính sách thuế áp dụng với đối tác lái xe của hãng, đồng thời tăng giá cước các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc. Lý do, theo Grab Việt Nam, Nghị định 126/2020/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (áp dụng từ ngày 5-12-2020), đã yêu cầu hãng phải kê khai và khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (với mức thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác.

Hãng này khẳng định, tỷ lệ phân chia doanh thu cho đối tác lái xe không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%), và mức thuế thu nhập cá nhân cũng giữ nguyên là 1,5%. Tuy nhiên, do thuế thu nhập cá nhân và thuế VAT tăng, nên mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của lái xe sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.

Cùng với đó, Grab tăng giá các dịch vụ GrabCar thêm 2.000 đồng cho 2 km đầu tiên (từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng), và tăng thêm 1.000 đồng cho mỗi km tiếp theo (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng). Mức tăng tương tự áp dụng với cả dịch vụ GrabCar 7 chỗ. Việc tăng giá cũng áp dụng ở nhiều loại hình dịch vụ Grab khác, tại nhiều địa phương, với nhiều mức khác nhau.

Grab giải thích việc tăng giá này nhằm bảo đảm thu nhập cho đối tác của hãng, sau khi Nghị định 126/2020/NÐ-CP có hiệu lực. Quan điểm này, vừa đúng, lại vừa sai.

Ðúng là ở chỗ, trong tư cách doanh nghiệp (DN) cung cấp nền tảng kết nối dịch vụ, Grab đương nhiên có nghĩa vụ và phải có ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thu hộ thuế cho nhà nước, từ đối tác của hãng là các lái xe.

Nhưng sai là ở chỗ, việc tăng thu từ đối tác lái xe và tăng cước của Grab thực chất chỉ bù lại cho đối tác lái xe về danh nghĩa. Vì sau giai đoạn giãn cách xã hội đầu năm 2020, thói quen sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng đã thay đổi. Hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người đồng nghĩa với việc tăng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giao hàng, dịch vụ đi xe… Và cũng có đông người tham gia làm đối tác của Grab hơn do các công việc chính của họ bị ảnh hưởng.

Thực tế ấy đồng nghĩa với việc doanh thu của các hãng cung cấp nền tảng dịch vụ sẽ tăng, trong khi chi phí hạ tầng giảm do giảm khấu hao theo thời gian, tức là kéo tăng lợi nhuận của các hãng. Và như vậy, có thể hiểu tăng cước là cách “móc túi” người tiêu dùng và tăng thu chiết khấu của lái xe về thực tế chỉ để bảo đảm tăng thu cho các hãng cung cấp dịch vụ kết nối như Grab. Như vậy, quan hệ với đối tác và khách hàng của Grab đều đã không được đặt trên nền tảng của cùng có lợi.

Không chỉ là nội bộ của Grab với đối tác, điều này đặt ra một vấn đề, sau khi ban hành Nghị định 126, thì chúng ta lại không có sẵn các công cụ để ngăn các hãng dịch vụ chọn cách hành xử như Grab trong câu chuyện trên: tăng “vặt” người lao động và khách hàng. Ðó cũng có thể coi là một khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy.