50 - 50 "Giá trị thật"

Muốn gỡ vướng khi tháo dỡ các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm do Nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo trên địa bàn, mới đây TP Hồ Chí Minh "mạnh dạn" đề xuất hai phương án. Trong đó, nổi bật là phương án chỉ cần 50% số cư dân đồng ý là có thể tiến hành tháo dỡ. Ðây được xem là một "cơ chế dễ thở" so với trước đây (khi cần đến 100% số cư dân đồng ý).

Theo đề xuất này, khi tháo dỡ chung cư nguy hiểm, phương án 1 là chỉ bồi thường, tái định cư bằng căn hộ. Trong khi đó, ở phương án 2, vẫn quy định hai phương thức bồi thường bằng tiền hoặc căn hộ. Nhà nước cưỡng chế tháo dỡ để đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm khi có từ 50% số chủ căn hộ đồng ý. Chủ sở hữu bị cưỡng chế được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền với mức bằng với giá trị trung bình của các chủ sở hữu đã chấp thuận.

Về bản chất, đề xuất này của TP Hồ Chí Minh không tạo nhiều khác biệt so quy định hiện hành. Sự thay đổi lớn nhất nằm ở tỷ lệ chấp thuận của chủ sở hữu chung cư. 50% là con số phản ánh ý kiến của chính những người đang sinh sống trong các chung cư được xếp hạng hạng C, thậm chí là D1, D2, D3… Việc giảm tiêu chí đồng thuận đến một nửa cho thấy, TP Hồ Chí Minh cương quyết giải quyết vấn đề này. Vì theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 nhưng hiện mới chỉ tháo dỡ được khoảng 10 chung cư - một con số vô cùng khiêm tốn. Ðiều này bắt nguồn từ việc cư dân không đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư (NÐT) hoặc đồng thuận về phương án bồi thường nhưng sau đó chủ sở hữu hoặc NÐT lại thay đổi phương án giữa nhận tiền hoặc nhà ở…

Hướng giải quyết này có thể là giải pháp hữu hiệu nếu như được kèm theo nhiều giải pháp khác. Bởi để giải quyết một vấn đề vốn ngưng trệ hàng chục năm thì chỉ một giải pháp sẽ không đủ. Muốn nhận được "cái gật đầu" cho phép tháo dỡ chung cư của người dân thì cần nhận được sự "ưng ý" của họ với chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải là DN chất lượng, có năng lực để đưa ra giải pháp cải tạo xây dựng hợp lý và phương án đền bù thỏa đáng nhất.

Ðiều này giống như một kiến nghị khác của TP Hồ Chí Minh. Ðó chính là nghiên cứu bổ sung quy định tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu khi lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo chung cư cấp C là 80%. TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý, đây là tỷ lệ đồng thuận để chọn chủ đầu tư chứ không phải là tỷ lệ đồng thuận để tháo dỡ chung cư. Như vậy, phương án giải quyết hữu hiệu nhất cho vấn đề này, nên chăng là mở rộng tiêu chí tìm NÐT tham gia cải tạo chung cư xuống cấp, mở rộng quy mô (nâng số lượng căn hộ) dự án chung cư sau khi được cải tạo cũng như thay đổi chính sách đền bù dành cho đối tượng cư dân có mặt tiền… Bởi để giải quyết được vấn đề này thì luôn cần sự chấp thuận của cả hai phía, không chỉ chủ sở hữu thấy hợp tình mà chính chủ đầu tư cũng thấy hợp lý. Giải pháp tạo nên lợi ích 50 - 50 thì mới chính là giải pháp đúng nghĩa.