"Vắc-xin" của doanh nghiệp

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho toàn bộ doanh nghiệp (DN) trên cả nước trong năm nay thay vì chỉ áp dụng cho DN có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng như trước đó.

Ðề xuất này là sự "mở rộng đối tượng" để "lan tỏa" giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đến cộng đồng DN trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và quá trình phát triển vắc-xin Covid-19 vẫn đòi hỏi thời gian. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi trong trạng thái "bình thường mới" thì đề xuất này lại tạo nên ý kiến trái chiều.

Có chuyên gia kinh tế nhận định, đề xuất này không công bằng và hiệu quả vì chỉ giúp được "DN thiểu số" chứ không cứu được đa số DN. Khó khăn mà hầu hết DN gặp phải là không có khách hàng, đơn hàng... Từ đó, DN khó lòng bảo đảm doanh thu dẫn đến không có khả năng trả lương, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho nhân viên, cho ngân hàng… cũng như chi phí duy trì hoạt động khác. Ðây cũng chính là kết quả mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thu thập được sau quá trình khảo sát. Như vậy, vấn đề sâu xa của DN không nằm ở khả năng đóng thuế TNDN mà bắt nguồn từ sự bế tắc đơn hàng - yếu tố sống còn tạo ra doanh thu.

Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Chính phủ liên tục ban hành các giải pháp hỗ trợ DN như hai lần tung gói hỗ trợ từ 11.000 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người lao động, giãn thời gian nộp nhiều loại thuế... Nhưng dường như, sự hỗ trợ này vẫn chưa đạt hiệu quả cao vì số DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 8 vừa qua vẫn là 3.424 DN, tăng 63,4% so cùng kỳ năm 2019 và tăng 11,6% so tháng trước đó. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 8 là 1.416 DN, tăng 9,3% so cùng kỳ năm 2019 và giảm 5,9% so tháng 7-2020.

Ở chiều ngược lại, trong "trạng thái bình thường mới", có một lượng DN quay trở lại hoạt động/thành lập mới - tuy chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 (dưới 2%) - nhưng chứng tỏ DN đã thích ứng và tìm được giải pháp thích nghi trong điều kiện kinh tế hiện nay. Ðiều này hoàn toàn là một "dấu hiệu" rất - cần - được tìm hiểu của các cơ quan ban hành chính sách hỗ trợ DN.

Hiện, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng cùng nhiều địa phương khác đang tiến hành điều tra đột xuất tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để đánh giá hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cũng như nắm bắt chính xác khó khăn của DN. Vậy nên chăng, ngoài khảo sát DN khó khăn thì cần khảo sát cả những DN đang/đã trên đà hồi phục kia để biết được cách họ vượt qua khó khăn?

Chỉ khi hiểu vấn đề của DN toàn diện, giải pháp mới đi vào thực chất. Sự hỗ trợ của Chính phủ thời điểm này giống như vắc-xin Covid-19, không chỉ làm dịch bệnh suy yếu mà còn phải tăng cường "sức đề kháng" cho DN. Phải làm được điều này thì mọi giải pháp hỗ trợ như đề xuất kể trên của Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân mới thật sự là "bệ phóng" để DN bứt phá trong/sau dịch.

PHONG THU