"Tiền công" thông thái

Đầu tư công đang được xem là giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế, kết nối hạ tầng, tạo việc làm cho người lao động… trong thời dịch Covid-19, vì thế, Chính phủ tập trung đốc thúc thực hiện suốt thời gian qua. Rất nhiều bộ, ngành và địa phương đang tăng tốc thực hiện, thậm chí thể hiện quyết tâm đạt 100% kế hoạch. Nhưng vẫn có đến 18 bộ, ngành và địa phương xin trả lại/điều chuyển 6.338 tỷ đồng cho các cơ quan khác, trong đó vốn trong nước là 341,6 tỷ đồng, vốn nước ngoài là hơn 5.996 tỷ đồng. Có nên gọi đây là một nghịch lý?

Bởi về nguyên tắc, vốn đầu tư công luôn được giao cho các bộ, ngành và địa phương ngay từ đầu năm. Chính xác thì số vốn này "phải" được chính các cơ quan này lên kế hoạch và trình Chính phủ xem xét rất lâu trước khi được chấp thuận. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), có 52/53 bộ và cơ quan Trung ương, 63/63 địa phương hoàn thành xong ít nhất 90% phương án chi tiết phân bổ vốn cho năm nay. Nhưng việc xin trả lại vốn của 18 cơ quan kể trên đặt ra câu hỏi lớn về tính khả thi của phương án này.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công được coi là một điểm nghẽn lớn và chưa có cách giải quyết. Trong điểm nghẽn này, hiện tượng "double xin" (xin vốn để phân bổ đầu tư và xin trả lại vốn vì không thể giải ngân) cũng là một vấn đề hóc búa không kém. Năm 2020, không phải lần đầu hiện tượng này xảy ra. Hai năm trước từng ghi nhận những văn bản xin trả lại vốn đến từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Tài chính khẳng định, có hai nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn chậm. Một là công tác giải phóng mặt bằng, hai là công tác chuẩn bị dự án chưa sát thực tế khiến dự án khi triển khai phải điều chỉnh lại. Nguyên nhân thứ nhất có lẽ hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng nguyên nhân thứ hai - lý do chính khiến các dự án ODA chậm giải ngân, thậm chí phải trả lại vốn là "điều hơi ngược" - như nhận định của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong một hội nghị về đầu tư công - là điều rất đáng bàn.

Dịch Covid-19 khiến áp lực giải ngân vốn đầu tư công gia tăng đồng thời làm lộ rõ nhiều bất cập về khả năng lên phương án đầu tư dự án của nhiều bộ, ngành và địa phương. Chính phủ liên tiếp yêu cầu, thậm chí ra điều kiện xử phạt người đứng đầu địa phương chậm giải ngân, không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đứng đầu địa phương giải ngân tốt trong năm nay. Tất cả nhằm tạo lực đẩy lớn cho các địa phương nhưng liệu có "trúng vấn đề"?

Giá trị của vốn đầu tư công nằm ở việc giải ngân thành công hay hiệu quả của các dự án với người dân và nền kinh tế? Có nên rà soát và chỉ giải ngân vốn đầu tư cho dự án thật sự mang lại hiệu quả? Vì chỉ như vậy, "tiền công" mới thật sự tạo nên giá trị. Và cũng chỉ như vậy, việc xét phạt hay khen thưởng khả năng "tiêu tiền" của người đứng đầu địa phương mới thật sự có ý nghĩa.