Nhập nhèm xuất xứ hàng hóa

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa, nhập hàng từ Trung Quốc về nhưng trên sản phẩm, bao bì, nhãn mác lại ghi "Sản xuất tại Việt Nam", "Made in Vietnam"...

Thậm chí, các lô hàng còn có cả giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Ðơn cử, Công ty TNHH một thành viên Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An đã nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp; 1.560 van bếp ga có dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam. Hay Công ty TNHH một thành viên XNK Thành Quý và Công ty TNHH Thương mại Aeolus Henan đã nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về, nhưng trong số hàng hóa có tới 2.880 chiếc bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa nhãn hiệu Huy Hoàng...

Theo cơ quan chức năng, qua việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", người dân đã có ý thức ủng hộ hàng sản xuất trong nước. Nhiều thương hiệu của doanh nghiệp trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt tâm lý này, không ít đối tượng đã có hình thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa. Các doanh nghiệp nhập hàng của nước ngoài sản xuất, nhưng trên sản phẩm ghi sẵn thông tin "Made in Vietnam", "Sản xuất tại Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam"...

Thậm chí, các thông tin như nhãn hiệu, trụ sở doanh nghiệp, trung tâm bảo hành... ghi trên bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều bằng tiếng Việt. Một hình thức khác là nhập hàng hóa từ nước ngoài, có hoặc không dán nhãn hàng hóa của nước ngoài, nhưng trong quá trình lưu kho, tiêu thụ trong nước thì các đối tượng thay thế, dán đè bằng nhãn mới, xuất xứ Việt Nam. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn thành lập nhiều công ty khác nhau, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm rồi gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản hoặc không cần gia công, sản xuất, nhưng vẫn tìm cách hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam.

Hành vi nhập nhèm xuất xứ hàng hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây hiểu nhầm, làm xấu thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp trong nước. Về lâu dài, hành vi này ảnh hưởng chung đến các sản phẩm gắn mác "Made in Vietnam", "Sản xuất tại Việt Nam"...

Do đó, các ngành chức năng, từ lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, thuế... cần tăng cường trao đổi thông tin, có phương án phối hợp chặt chẽ trong phát hiện, xử lý các hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Các doanh nghiệp không nên bàng quan trước các hành vi, hiện tượng bị làm giả nhãn hiệu, mà cần tích cực vào cuộc, hỗ trợ lực lượng chức năng xác minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Các địa phương, đơn vị tiếp tục làm tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để nâng cao vị trí hàng Việt Nam và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam đối với nền kinh tế. Các cấp, các ngành cần hỗ trợ những doanh nghiệp làm ăn chân chính nâng cao năng lực, công nghệ sản xuất, bảo đảm chất lượng và giá thành sản phẩm, đầu tư công nghệ để phân biệt, chống làm giả hàng hóa, phục vụ tốt yêu cầu của người tiêu dùng.