Trách nhiệm cụ thể, kết quả rõ ràng

- Đúng là "cha chung không ai khóc"!

- Nhưng cũng có nhiều người phát khóc vì cái kiểu "cha chung" đó, anh Ba.

- Chắc chú mầy muốn nói tới chuyện dãy quán nhậu trên đường Phạm Văn Ðồng, đoạn qua quận Gò Vấp để khách tràn ra lề đường gây bát nháo cả khu vực chớ chi?

- Vậy không phải anh Ba cũng muốn nói tới chuyện đó sao?

- Ðúng là anh Ba đang định dẫn dắt câu chuyện tới chủ đề đó. Vì đó đang...

- Ðang là vấn đề gây bức xúc cho cả cộng đồng sinh sống chung quanh. Mà...

- Mà sao, Tư?

- Không bức xúc mới là chuyện lạ. Quán nhậu đã ồn ĩ lắm rồi giờ một số quán lại bố trí thêm DJ phối nhạc cho xôm tụ nữa thì độ ồn lại càng vượt quá xa sức chịu đựng. Anh Ba thử tới đó chịu trận một bữa từ chập tối tới tận gần sáng là biết liền à!

- Khỏi cần thử. Hôm rồi anh Ba đã tới đó coi sao, mới de xe qua chầm chậm chừng mươi mười lăm phút đã muốn tung đầu, vỡ ngực ra rồi. Huống hồ những người sống quanh đó bao lâu nay phải chịu đựng. Chịu hết nổi mà kêu đâu có ai thấu.

- Bức mà không xúc được nên lại càng... bức xúc. Người dân đã có đơn thưa lên chánh quyền rồi gọi điện cho cả công an phường, công an quận mà trật tự vẫn chưa được vãn hồi. Trong khi đó...

- Người buôn bán bình thường cứ kê bàn ở lề đường năm phút thôi là ngay lập tức cán bộ phường xuống nhắc nhở ngay. Vậy mà những quán nhậu ở đường Phạm Văn Ðồng thì quả thật không bình thường. Có phải chú mầy định nói vậy?

- Thì sự thật là vậy mà, anh Ba.

- Ðừng đưa ra tình huống giả định rồi suy diễn theo chiều hướng tiêu cực kiểu vậy. Anh em mình nên áp dụng phương pháp suy đoán vô tội cho nhân văn, cao cả. Ðể xảy ra tình trạng này, như hồi nãy anh Ba đã nói là "cha chung không ai khóc". Vậy nên phải...

- Xác định nguyên nhân cơ bản là do chưa có người cụ thể chịu trách nhiệm về việc nầy. Do vậy...

- Phải quy trách nhiệm cụ thể cho con người cụ thể để buộc người ta phải "khóc".

- Anh Ba nói chính xác! Ở cấp quận có đội trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị, ở phường thì do các phường trực tiếp xử lý. Cứ quy trách nhiệm cho người đứng đầu hai nơi đó thì lo chi không có người "khóc"!

- Lỡ người ta "khóc" rồi mà tình trạng vẫn vậy thì làm sao?

- Thì họp đánh giá coi thử người ta "khóc" thiệt hay "khóc" giả kiểu đối phó. Căn cứ vô đó rồi đưa ra phương án xử lý. Cứ quy trách nhiệm cụ thể cho con người cụ thể thì kết quả sẽ rõ ràng ngay thôi!