Của nào tiền nấy

- Lại kẹt nữa rồi!

- Kẹt xe, tắc đường là chuyện thường ngày ở ta mà, anh Ba!

- Không phải chuyện đường sá!

- Vậy chắc là anh Ba đang kẹt tiền xài?

- Cũng sai nốt!

- Coi như Tư tui chịu thua! Vậy ai kẹt, kẹt chuyện chi, kẹt ở đâu, anh Ba?

- Như mấy người thạo chuyện thì kẹt do cơ chế.

- Cơ chế là chuyện phức tạp nghe. Nói suông một câu vậy là không ổn đâu!

- Theo chú mầy thì phải nói mấy câu mới được?

- Phải nói rành rẽ ra, không cần biết mấy câu, mấy chữ!

- Xông xênh quá ha! Vậy chú mầy có biết chuyện xe buýt sinh học?

- Biết chớ sao không? Đó là một chủ trương lớn nằm trong lộ trình xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp mà! Nhưng…

- Nhưng sao, Tư?

- Chuyện đó rộ lên một dạo, tới giờ sao im ắng quá chừng!

- Đã nói là bị kẹt mà!

- Chủ trương đã có, lại còn được ưu tiên đầu tư, phát triển nữa, kẹt sao được?

- Vậy mới đáng nói chớ!

- Lạ thiệt!

- Không có chi là lạ hết. Tiền mua xe buýt chạy nhiên liệu sinh học đắt gấp hai so với xe chạy dầu. Lỡ hỏng hóc, phải sửa chữa, thay thế nầy nọ, tiền mua phụ tùng cũng đắt gấp hai. Trong khi…

- Tiền hỗ trợ ban đầu rồi tiền trợ giá, trợ cước của thành phố dành cho vận tải hành khách công cộng là như nhau, phải vậy không, anh Ba?

- Chính xác! Chưa kể…

- Cả thành phố mới chỉ có bốn, năm trạm nạp nhiên liệu sinh học. Nên vừa chạy xe vừa phải canh me, chừng sắp cạn là phải tính đường đi đến đó nếu không muốn chết máy giữa đường. Thành ra, không doanh nghiệp nào mặn mà với chuyện đầu tư vô loại xe đó, cho dù không gây ô nhiễm môi trường.

- Nói vậy là đủ biết chú mầy cũng rất chi hiểu chuyện. Từ đây mới thấy, chủ trương dù hay đến mấy mà khi thực hiện không sâu sát, không có cơ chế phù hợp giải quyết được những bất hợp lý hiện hữu thì cũng không phát huy được tác dụng.

- Anh Ba nói đúng. Đôi khi, những ách tắc nhỏ lại làm hỏng cả một chủ trương lớn. Của nào thì phải tiền nấy chớ!