Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm

NDO -

NDĐT - Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam (KTTĐPN) được triển khai thành công sẽ mang lại giá trị gia tăng, an toàn cho người tiêu dùng, lợi ích thiết thực cho người sản xuất kinh doanh...

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản và đề xuất chính sách cho các tỉnh, thành Vùng KTTĐPN”, do Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 4-6.

Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐPN , UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn về khoa học kinh tế có uy tín cả nước và khu vực, cùng phối hợp Sở Công thương thành phố và các địa phương thuộc Vùng KTTĐPN và tỉnh Lâm Đồng để triển khai công tác xây dựng Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐPN”.

Theo đó, mục tiêu chủ đạo của đế án là đánh giá hiện trạng, tiềm năng từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ của vùng sẽ đề xuất phương hướng cải thiện cơ chế quản lý an toàn thực phẩm và xây dựng thêm một số cơ chế liên kết dọc phù hợp giữa tác nhân sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm hiện hữu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa các tỉnh, thành trong Vùng theo cơ chế liên kết vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhấn mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm là cấp bách, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho rằng: Toàn tỉnh, có gần 470 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 277 nghìn ha, diện tích đất lâm nghiệp 180 nghìn ha, diện tích đất nuôi trồng thủy sản gần tám nghìn ha.

Những năm qua, nông nghiệp nông thôn Đồng Nai đã có bước phát triển tích cực đánh dấu một mốc mới trong thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng. Các cây, con chủ lực đã được quy hoạch và hình thành rõ các vùng sản xuất tập trung, như vùng cây chuyên canh, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm ảnh 1

Người tiêu dùng mua trái cây tại siêu thị Co.opmart quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, đến nay, Đồng Nai đã xây dựng được 132 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến; 52 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác tham gia, gồm: 82 chuỗi trồng trọt, 29 chuỗi chăn nuôi, bốn chuỗi thủy sản và 15 chuỗi chợ an toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và triển khai thực hiện được 23 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn, 270 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Đây là điều kiện quan trọng để cùng với các địa phương khác thuộc Vùng KTTĐPN xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, qua quá trình thực hiện các phương thức kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản, tỉnh Tiền Giang nhận thấy vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, chưa quản lý tốt vùng trồng, dẫn đến chưa nắm chắc số lượng cần tiêu thụ, nguyên nhân chủ yếu do người nông dân thường trồng nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Điều này dẫn đến việc thu thập số liệu tiêu thụ và chế biến trái cây trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, việc nắm bắt tình hình tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh ở các cơ sở thu mua còn hạn chế, cũng như việc nắm bắt thông tin về tiêu thụ nông sản tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích… ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… còn rất khó, vẫn chưa thực hiện được. Công tác hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các sản phẩm chế biến từ nông sản của tỉnh chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì nhãn mác, giấy chứng nhận và chất lượng nên chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối...

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm ảnh 2

Vườn quýt theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Từ đó, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đề xuất, TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm đầu tàu trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy kết nối - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về sản lượng, quy mô nông sản thực phẩm để thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm; hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử cấp vùng, trước mắt áp dụng cho các sản phẩm đặc trưng của mỗi tỉnh để từ đó hoàn thiện cơ chế và quy trình hoạt động của sàn.

Song song đó, Vùng KTTĐPN cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung về quy trình sản xuất chung cho nông sản, trên cơ sở đó, các địa phương linh hoạt ứng dụng, nhằm tạo chất lượng sản phẩm cao đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho tiêu thụ và chế biến. Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển nhóm sản xuất vừa và nhỏ, trên cơ sở tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ với nhau, sao cho sản xuất đồng loạt cả về thời gian và áp dụng chung quy trình sản xuất, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chế biến và tiêu thụ trong thời gian ổn định.

Để xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm, các đại biểu kiến nghị Vùng KTTĐPN cần tạo ra cơ chế khuyến khích kết hợp bắt buộc hình thành các liên kết dọc và ngang để dần thay đổi hành vi sản xuất không liên kết. Xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường; chỉ có những hàng hóa đạt chuẩn VietGAP, chuẩn an toàn thực phẩm mới được đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường…