Trồng quýt chín sớm, người dân Mường Khương xóa nghèo hiệu quả

NDO -

NDĐT - Chúng tôi lên vùng cao núi đá Mường Khương chứng kiến bà con đồng bào dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Giáy… tất bật thu hoạch quýt chín sớm bán cho thương lái. Quýt sớm năm nay được mùa được giá, đem về nguồn thu ổn định, giúp bà con nơi đây xóa nghèo hiệu quả và bền vững.

Người dân thu hoạch quýt chín sớm ở Mường Khương.
Người dân thu hoạch quýt chín sớm ở Mường Khương.

Chuyển đổi cây trồng và rải vụ thu hoạch

Gia đình chị Vàng Thị Bình, ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương có khoảng sáu sào ruộng bậc thang để cấy lúa và đất đồi thấp. Trước đây, do thời tiết vùng cao rét hại nên chị Bình chỉ cấy được một vụ lúa, thiếu nước tưới nên năng suất thấp và bấp bênh, có năm mất mùa, không được thu hoạch. Đối với đất đồi thấp, gia đình chỉ quen trồng ngô hoặc đậu tương, cho thu nhập không cao. Cộng tất cả các khoản lúa, ngô, chăn nuôi lợn, gà cũng chỉ bảo đảm đủ ăn, năm nào được mùa thì có chút tích lũy.

Từ năm 2012, chị Bình chuyển đất ruộng bậc thang sang trồng quýt chín sớm (quýt bột) và quýt sen, đến nay gia đình chị đã có khoảng gần bốn ha quýt ngọt, trong đó có khoảng hơn một ha quýt bột chín sớm. Trong khi các loại quýt truyền thống còn đang giữa kỳ làm quả, mới nhỉnh nhỉnh nắm tay trẻ con, sát Tết nguyên đán mới chín, thì quýt bột chín sớm đã “ửng vàng” từ giữa tháng 8 (giữa thu) và chín rộ vào giữa tháng 9 , kết thúc thu hoạch vào cuối tháng 10. Do chín sớm (trái vụ) nên quýt bột chín sớm dễ bán, được giá, được thương lái và người tiêu dùng ở thành phố Lào Cai, khu du lịch Sa Pa và các tỉnh miền xuôi ưa chuộng. Vụ quýt sớm năm nay, gia đình chị Bình thu hoạch được khoảng hai tấn quả, bán ngay tại vườn cho thương lái và chuyển hàng đến nhà cho khách qua mạng xã hội, thu về khoảng 30 triệu đồng. “Cái lợi nhất của quýt chín sớm là dễ bán, dễ thu hoạch, ít bị “dồn ứ” hàng, lại có nguồn thu nhập khá, rải đều trong năm”- chị Bình phấn khởi khoe với chúng tôi. Cùng với quýt bột chín sớm, gia đình chị Bình trồng thêm quýt sen (thu hoạch vào sát Tết nguyên đán), mận Tam Hoa, lê Tai Nung, ổi…

Theo chị Bình, trồng nhiều loại cây ăn quả để chống “mất mùa” và có nguồn thu quanh năm. Nhờ chuyển sang trồng cây ăn quả ôn đới, mỗi năm gia đình chị Bình thu về hàng trăm triệu đồng, là hộ giàu ở vùng núi đá rét lạnh, khô cằn này. Cũng như gia đình chị Bình, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Pa Dí, Phù Lá, Nùng…. ở các thôn Chúng Chải A, Chúng Chải B, Sả Hồ của thị trấn Mường Khương và các xã Tung Chung Phố, Thanh Bình, Nậm Chảy, Tả Ngải Chồ… chuyển đổi đất ruộng bậc thang thiếu nước hoặc đất đồi trồng ngô sang trồng quýt ngọt, trong đó có quýt bột chín sớm để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo nhanh và bền vững.

Tính đến nay, các xã rẻo cao biên giới của huyện Mường Khương đã có hơn 350 ha quýt ngọt, hàng năm đưa ra thị trường khoảng 1.200 tấn quả, thu về hơn 20 tỷ đồng. Điều quan trọng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, tạo việc làm và nguồn thu ổn định.

Giữ thương hiệu quýt sạch

Lợi thế của Mường Khương là nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới thích hợp với các loại cây có múi. Do chênh lệch nhiệt độ giữ ngày và đêm lớn, sương mù và độ ẩm cao nên chất lượng quýt được trồng ở đây vượt trội hơn: quả to, mọng nước, vị ngọt, thơm đặc trưng. Những năm trước đây, quýt từ bên kia biên giới bày bán khắp các chợ đầu mối ở Lào Cai, nhưng từ khi có quýt ngọt Mường Khương, người tiêu dùng ở Lào Cai lựa chọn loại quả sạch này, do chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Không những vậy, thương lái từ các nơi cũng đánh xe vào tận vườn để mua quýt Mường Khương đưa về chợ đầu mối Hà Nội và các tỉnh miền xuôi.

Trưởng phòng NN và PTNT Mường Khương Lê Thanh Hoa cho biết: Quýt Mường Khương đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đó là tấm giấy thông hành để sản phẩm nông sản của bà con nông dân vùng cao Mường Khương đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn, nhất là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn. “Xây dựng được vùng quýt tập trung đã khó nhưng giữ được chất lượng quýt sạch, an toàn, chất lượng cao còn khó hơn”, ông Hoa nhấn mạnh.

Để xây dựng và giữ được thương hiệu quýt sạch, huyện Mường Khương chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân trồng và thu hoạch quýt theo tiêu chuẩn VietGap. Cụ thể là không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chỉ áp dụng canh tác theo phương pháp hữu cơ, tăng cường sử dụng phân chuồng và phòng trừ sâu bệnh bằng làm sạch cỏ, sử dụng thiên địch và phòng ngừa sâu bệnh hại từ sớm.

“Làm thế nào để mở rộng diện tích quýt ngọt và các loại cây ăn quả ôn đới ở Mường Khương?”, tôi hỏi. Ông Lê Thanh Hoa trả lời ngay: Cái khó nhất là vốn và phân bón thì ngoài các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình 135, 30a cho các xã nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Mường Khương “sát cánh” cùng bà con tạo thuận lợi nhất để vay vốn lãi suất thấp theo qui định của Nhà nước để duy trì và phát triển vùng cây ăn quả ôn đới ở địa phương. Cụ thể, huyện chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực, thực hiện hỗ trợ cây giống trong năm đầu và phân bón trong ba năm tiếp theo, cùng với hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản của cán bộ khuyến nông để nhân dân vùng cao chuyển đổi sang trồng quýt. Trước đây, cây quýt giống phụ thuộc vào thương lái bên ngoài, đến nay Mường Khương đã chủ động sản xuất giống tại chỗ, bảo đảm chất lượng và đủ cung ứng cho người dân địa phương.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, hằng năm huyện Mường Khương mở “Lễ hội quýt” kết hợp thu hút khách du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ quýt cho người dân địa phương.