Tìm “đầu ra” cho rau an toàn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT và BVTV) Hà Nội, hiện thành phố có khoảng hơn 5.100 ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 224 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 50 ha rau hữu cơ, sản lượng đạt gần 600 nghìn tấn rau/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, người trồng rau an toàn (RAT) vẫn đang loay hoay tìm “đầu ra” cho sản phẩm...
Sản xuất rau an toàn ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
Sản xuất rau an toàn ở huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thay đổi thói quen canh tác và tiêu thụ

Chi cục trưởng TT và BVTV Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện tổng diện tích canh tác rau của thành phố là 12.000 ha, với hơn 40 loại rau... Xét về mặt kinh tế, trồng RAT đạt hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất rau thường từ 10 đến 20%; giá trị sản xuất đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm và có khoảng 1.200 ha đạt giá trị một tỷ đồng/ha/năm (sản xuất rau trong nhà lưới, rau trái vụ tăng từ ba đến năm vụ/năm).

Hiện Hà Nội có 35 chuỗi tiêu thụ RAT, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Có 208 doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm RAT, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng trung bình đạt 42 tấn/ngày. Điển hình: Hợp tác xã (HTX) Văn Đức từ chỗ chỉ có năm DN bao tiêu tăng lên 10 DN, sản lượng từ hai tấn tăng lên 10 tấn rau/ngày, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. HTX nông nghiệp Đại Lan từ năm DN bao tiêu tăng lên 14 DN, sản lượng từ 0,5 tấn tăng lên hai tấn/ngày. HTX Ba Chữ từ ba DN bao tiêu tăng lên bảy DN, sản lượng từ 1 tấn tăng lên 13 tấn/ngày,... Về rau hữu cơ, đã có 29 chuỗi với 41 siêu thị, cửa hàng, đại lý bán rau này ở Hà Nội. Trung bình mỗi tháng các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn đưa ra thị trường Hà Nội từ 40 đến 50 tấn, với giá thu mua ổn định, trung bình 15.000 đồng/kg rau củ quả các loại, bình quân mỗi thành viên có mức thu nhập từ bốn đến sáu triệu đồng/tháng... Kết quả đạt được do nông dân đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%. Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Ngoài ra, Chi cục TT và BVTV Hà Nội cũng triển khai, thực hiện 410 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV như che phủ ni-lông, nhà lưới trồng rau trái vụ..., trợ giúp bà con.

Cùng chúng tôi đi thực tế tại huyện Đông Anh (Hà Nội), nơi trồng đến 750 ha rau, Trạm trưởng Trạm TT và BVTV huyện Nguyễn Hồng Tuyển cho biết, trên địa bàn có 540 ha RAT, với nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và đủ điều kiện sơ chế RAT; trong đó có 7.000 hộ sản xuất rau, với 5.500 hộ ký cam kết áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm phân hóa học, thuốc BVTV. Mỗi ngày, tại chợ đầu mối Vân Trì (Vân Nội, Đông Anh) tiêu thụ 200 tấn nông sản các loại, trong đó huyện đáp ứng 45 tấn. Tuy nhiên, do đây là vùng rau chuyên canh tương đối lớn, nhiều hộ luân canh trồng nhiều lứa/năm, cho nên độ màu mỡ của đất kém đi vì không có điều kiện được “nghỉ ”, hoặc luân canh sang cây trồng khác dẫn đến có vụ ảnh hưởng đến chất lượng, việc tiêu thụ RAT còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân khiến sản lượng RAT đạt chưa cao là do thói quen, tập quán sản xuất của người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm còn manh mún. Một bộ phận nông dân sản xuất rau quy mô nhỏ, phần lớn bán rong tại các chợ “cóc”, khu dân cư, cho nên rất khó truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, hệ thống chứng nhận chất lượng RAT như VietGAP chỉ phù hợp sản xuất quy mô lớn với các tiêu chí kỹ thuật hiện đại, chi phí áp dụng cao, cho nên nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có thể tiếp cận. Nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, còn khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các quy định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho DN, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ RAT. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi có ít DN kinh doanh, tiêu thụ. Bà Nguyễn Thu Hà, ở phố Thụy Khuê, Hà Nội chia sẻ: Khi ra chợ rất muốn mua được những loại rau tươi, sạch nhưng không phân biệt được đâu là RAT với rau khác, bởi chỉ nhìn bên ngoài mấy loại rau có gắn nhãn mác với rau không gắn mác chẳng khác nhau là mấy, thế nên cuối tuần tôi thường về quê lấy rau mang lên ăn cho yên tâm. Ngoài ra, việc kích cầu tiêu thụ RAT từ sự liên kết giữa DN, HTX, nông dân tuy đã có, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Vai trò của HTX nông nghiệp có nhiều hạn chế, lúng túng trong việc tìm đầu ra RAT cho nông dân...

Làm gì để có “đầu ra” ổn định?

Một số chuyên gia nông nghiệp có chung ý kiến, thời gian qua mạng lưới tiêu thụ RAT ở Hà Nội đã phát triển nhưng chưa tương xứng tiềm năng, 40% số lượng rau hiện nay là từ các tỉnh khác chuyển về, việc kiểm soát chất lượng còn bất cập. Do vậy, để tìm “đầu ra” ổn định cho RAT, tới đây UBND thành phố cần có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ RAT theo hướng hỗ trợ trực tiếp DN phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ; tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình, gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí thêm điểm bán hàng. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động nâng cao kiến thức kỹ năng cho người sản xuất và nhận thức cho người tiêu dùng về RAT. Nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về phòng, chống sinh vật hại trên rau bằng các biện pháp như: không sử dụng thuốc BVTV, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc; áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản RAT. Có chế tài xử lý nghiêm đối với những hộ sản xuất, kinh doanh rau không an toàn.