Tiến độ thu hoạch mía chậm, nông dân lo lắng

NDO -

NDĐT- Hiện tại, vùng mía nguyên liệu ở Hậu Giang đã bước vào thu hoạch hơn tuần nay. Điều mà nông dân lo lắng không còn là giá mía thấp, vì đã quá thấp rồi, mà là tiến độ thu hoạch quá chậm, trong khi nhiều diện tích mía đã quá ngày thu hoạch đang bị vàng lá, khô đọt, càng để lâu sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Hàng trăm ghe mía đang nằm phơi nắng chờ cân mía.
Hàng trăm ghe mía đang nằm phơi nắng chờ cân mía.

Gắt gao chính sách thu mua mới

Thời điểm này, nếu như ở những năm trước, len lỏi trên các tuyến kênh, rạch ở vùng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang), không khí thu hoạch mía rất khẩn trương thì năm nay vắng ngắt. Chúng tôi theo con đường nông thôn ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chạy cặp kênh Bảy Mũ vắng tanh, dưới kênh không một chiếc xuồng, ghe. Bà con ở đây nói rằng, những năm trước dù giá mía có cao, hay thấp, cứ vào vụ thu hoạch là từ đầu đến cuối ấp luôn sôi động như cái chợ. Dưới kênh thì ghe mua mía tấp nập, thương lái, “cò mía” hoạt động sôi nổi; trên đường thì xe bán bánh mì, bánh bò, bán nước uống qua lại không ngớt để phục vụ nhân công đốn mía. Còn năm nay thì như cảnh “chợ chiều”.

Hôm gặp chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tui ở ấp Quyết Thắng B, cầm tờ giấy Quy chuẩn thu mua mía sạch của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) ban hành niên vụ mía 2019 – 2020, nói: “Chỉ có quy định bó mía bằng dây ni-lông là do người dân phản ứng quá, nên Casuco không áp dụng, còn tất cả các quy chuẩn mới đều phải áp dụng”.

Theo đó, Quy chuẩn thu mua mía sạch của Casuco là cây mía đốn, chặt phải sạch rễ, bóc sạch lá, chặt hết ngọn mía non; không có mía chết, mía khô; không có mía măng, mía cháy thân; không có mía ngâm nước, mọc rễ và mía đạt độ chín mới cấp giấy đốn chặt. Theo ông Huỳnh Văn Tui, năm nay Casuco thay đổi quy chuẩn mía sạch quá gắt gao làm thiệt hại thêm cho người trồng mía. Chỉ tính quy định phải bỏ đi phần sát gốc (khoảng một tấc) và phần trên ngọn cây mía, làm giảm 30% sản lượng so với các năm trước.

Bà Thái Thị Tuyết Hoa ở kế bên nhà ông Huỳnh Văn Tui, cho biết: “Năm nay, với chính sách thu mua mía sạch mà Casuco áp dụng thì thực tế một vài hộ đã đốn mía giao, tôi thấy năng suất mía đã giảm đi khá nhiều so với cùng kỳ. Một cây mía đốn theo cách truyền thống trước đây thì được 1 kg, còn áp dụng theo quy chuẩn mía sạch mà Casuco đưa ra trong vụ mía này thì chỉ còn 700-800 gram, vì bỏ đi phần ngọn và gốc khá nhiều. Với cách đốn mía này, tính ra thì một ha mía, nông dân mất không dưới 30 tấn mía. Trong khi giá mía thấp, chỉ 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường, tại cầu cảng nhà máy, cộng với năng suất giảm thêm thì người trồng mía cầm chắc thu lỗ nặng.

Cần đẩy nhanh thu mua

Chủ trương của Casuco năm nay sẽ thu mua hết mía của bà con tại rẫy. Phía công ty đấu giá thuê nhà thầu (thương lái), có trách nhiệm khâu vận chuyển mía từ rẫy về nhà máy theo kế hoạch phân chia vùng thu hoạch từng thời điểm của nhà máy. Trường hợp bà con không kêu được nhân công đốn chặt mía thì các nhà thầu này sẽ lo, với một mức giá thỏa thuận hợp lý. Tuy nhiên, vào vụ đã trễ gần một tháng so với vụ mía trước, nhưng tiến độ thu mua của nhà máy quá chậm, người trồng mía càng lo, vì nhiều diện tích mía, nhất là giống mía ROC 16 đã quá ngày thu hoạch đang bị vàng lá, khô đọt, càng để lâu sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, sau hơn một tuần chính thức vào vụ thu hoạch, toàn huyện chỉ mới thu hoạch được khoảng 50 ha mía giao cho nhà máy đường. Như vậy, trung bình mỗi ngày toàn huyện chỉ có khoảng 5-7 ha mía được thu hoạch. Nguyên nhân của việc thu hoạch chậm hiện nay một phần là do chính sách đốn mía của nhà máy đưa ra năm nay còn khá mới mẻ, để thu hoạch được mía nông dân phải trải qua nhiều công đoạn.

Tiến độ thu hoạch mía chậm, nông dân lo lắng ảnh 1

Nỗi buồn người trồng mía.

Theo ông Huỳnh Văn Tui ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, việc Casuco cấp giấy đốn chặt mới được thu hoạch, bà con luôn trong thế bị động. Vì muốn thu hoạch phải có cán bộ của Casuco cấp giấy đốn rẫy mía nào, thì người dân mới được đốn. Còn tự ý đốn, không có giấy của Casuco thì dù có chở ra nhà máy đường họ cũng không mua. Cả ấp Quyết Thắng B này có 300 hộ trồng mía, nếu như các năm trước đã thu hoạch gần hết mía, còn năm nay chỉ mới được cấp giấy đốn mía cho năm hộ.

Chỉ tay về phía hơn bốn công mía (giống ROC 16) của gia đình đang bị vàng đọt, khô lá vì đã quá ngày thu hoạch, anh Nguyễn Văn Lành, ở ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, xót xa, than: “Thấy ruộng mía sắp chết khô ngoài đồng, nên mấy ngày qua, tôi đi kiếm người để bán mía nhưng đều không có. Theo một số thương lái chỉ, nếu muốn bán được mía thì phải điền vào đơn đăng ký với nhà máy đường, sau đó đem đến ấp, xã ký xác nhận rồi nộp lại cho nhân viên của Casuco để họ biết và sắp xếp thời gian đốn mía. Tuy nhiên, nhà máy chỉ ưu tiên thu hoạch những hộ đã ký hợp đồng bao tiêu với công ty trước đó, còn những hộ như tôi thì còn phải chờ lâu, trong khi mía đã quá ngày thu hoạch gần một tháng rồi, sợ kéo dài thêm thời gian thì cây mía sẽ bị bọng ở bên trong, từ đó kéo theo nhiều thiệt hại về năng suất và chữ đường”.

Trong vụ mía này, Casuco đã đóng cửa nhà máy đường Vị Thanh, còn nhà máy đường Lusuco bị đình chỉ hoạt động do liên quan đến gây ô nhiễm môi trường, chỉ còn một nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động. Theo ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, vụ mía này toàn tỉnh có hơn 8.000 ha, trong đó giống mía chín sớm ROC 16 chiếm khoảng 52% cần phải thu hoạch nhanh vì đã quá ngày thu hoạch, càng để lâu càng gây thiệt hại thêm cho bà con. Tuy nhiên, với công suất của nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ 3.500 tấn/ngày, hơn nữa, tiến độ thu hoạch chậm như hiện nay, chắc phải qua năm sau mới thu hoạch hết mía cho bà con.

Trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang hồi tháng 9 vừa qua, phía lãnh đạo Casuco hứa sẽ thu mua hết mía cho bà con nông dân, nếu cần thiết sẽ huy động cả nhà máy đường ở Sóc Trăng và Trà Vinh (hai công ty này cũng đều thuộc Casuco) vào vụ sớm để thu mua mía cho nông dân. Vì vậy, ngoài việc nhà máy cần đẩy nhanh tiến độ thu mua, hy vọng lời hứa này vẫn còn “hiệu lực” và sớm thực hiện ngay để giảm thiệt hại thêm cho người trồng mía.