Thúc đẩy thị trường tiêu thụ ngao các tỉnh ven biển

NDO -

Sáng 28-11, tại TP Thái Bình, các địa phương có sản lượng ngao (nghêu) lớn như Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa… đã cùng nhau gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, nhất là phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm ngao của tỉnh Nam Định.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm ngao của tỉnh Nam Định.

Đây là diễn đàn kinh tế lớn trong khu vực với sự hỗ trợ của Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ NN-PTNT) và UBND tỉnh Thái Bình nhằm liên kết, hỗ trợ các địa phương về khai thác, nuôi trồng, chế biến cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo số liệu tổng hợp, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến tháng 9, diện tích nuôi ngao của các địa phương trong cả nước ước khoảng hơn 15 nghìn ha, sản lượng ngao ước đạt gần 186 nghìn tấn, năng suất ước đạt 11,82 tấn/ha.

Nam Định là địa phương có năng suất nuôi ngao cao nhất trong vùng, đạt từ 10-15 tấn/ha, cá biệt nhiều mô hình đạt từ 20-40 tấn/ha, thu lãi hằng năm từ 1-2 tỷ đồng.

Hiện nay, hình thức nuôi ngao tập trung chiếm tỷ trọng thấp, người nuôi vẫn chưa chủ động được hoàn toàn nguồn giống sản xuất nhân tạo, mà dựa chủ yếu vào nguồn tự nhiên. Bên cạnh đó, một số nơi đang có hiện tượng nuôi ngao ngoài quy hoạch, nuôi ở những vùng chưa đủ điều kiện (vùng cao hoặc triều thấp), ngao giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, môi trường ô nhiễm…Trong khi thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Hiện tượng ngao chết hàng loạt thường xảy ra từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm, những tháng khác trong năm cũng có hiện tượng này. Sự thay đổi về nhiệt độ, độ mặn, chất lượng nước kém là những nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng ngao sốc và chết hàng loạt.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể (ngao, nghêu) sang nhiều thị trường, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 93,7 triệu USD.  Lien minh châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 64,2% tổng giá trị, tiếp theo là Mỹ (nhưng chỉ chiếm khoảng 12% tỷ trọng), sau đó là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và các nước Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp có sản lượng ngao lớn như Công ty Cửu Dung (Nam Định) với thương hiệu Ngao sạch Giao Thủy, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan) cho rằng, nhu cầu thị trường còn rất lớn cả về tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhưng giá cả không ổn định, việc quản lý điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Nhìn chung, công nghệ chế biến còn khá đơn giản, nên không đáp ứng được yêu cầu thị trường nhập khẩu, cá biệt nhiều vùng thu hoạch chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu.

Tại diễn đàn kinh tế quan trọng này, đại biểu các tỉnh đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi ngao (nghêu), trong đó nhấn mạnh tới các vấn đề về cơ chế, chính sách. Theo đó, cần nghiên cứu chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nuôi thành lập và tổ chức hoạt động các mô hình đồng quản lý; các cơ sở nuôi, sản xuất giống áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và bảo vệ môi trường; hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, chế biến nhuyễn thể; hay như có chính sách hỗ trợ phát triển trên vùng biển và ven các đảo…

Còn theo Tổng cục Thủy sản, trong thời gian hiện nay phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vùng sản xuất nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các mô hình người dân tự liên kết dưới hình thức “tổ hợp tác”, “hợp tác xã”. Khi các hợp tác xã nuôi ngao (nghêu) hoạt động hiệu quả, các địa phương thành lập liên minh hợp tác xã nuôi nhuyễn thể của tỉnh/thành phố đê các hợp tác xã có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển, thu hút sự tham gia bảo vệ an ninh vùng nuôi, bãi nguồn giống tự nhiên và môi trường.