Tuổi trẻ lối sống

Thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp

Với nhiều hình thức triển khai mới mẻ, sáng tạo, dù mới tròn hai “tuổi”, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã thật sự trở thành khởi đầu vững chắc, cầu nối rộng mở đối với các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vốn là người năng động, anh Phạm Văn Nam sớm thử sức với nhiều ngành nghề, trước khi “bén duyên” với hạt gạo lứt từ cây lúa tím trong một chuyến công tác vào miền nam năm 2014. Nhận thấy gạo lứt là một loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng cao và nhiều tác dụng tích cực trong y học, anh Nam cùng các đồng nghiệp là Lê Thị Minh Trí, Nguyễn Thị Dung dồn sức nghiên cứu dự án “Sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo tím thảo dược Vĩnh Hòa 1” (VH1). Năm 2015, anh trở về quê hương tại huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa), thuê ba sào đất và bắt đầu trồng thử nghiệm giống lúa mới. “Vạn sự khởi đầu nan”, giống VH1 với nhiều yêu cầu phức tạp như không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sinh trưởng tự nhiên lại kéo dài, năng suất không cao như giống lúa bình thường... khiến nhà nghiên cứu sinh năm 1983 nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc.

Kiên trì vượt qua mọi khó khăn, đến năm 2017, dự án bắt đầu được triển khai thực tế trên những cánh đồng xứ Thanh với diện tích 1 ha. Một năm sau, Công ty cổ phần thương mại Thiệu Hóa của anh Nam và các cộng sự đã bước đầu gặt hái một số thành công nhất định ở thị trường địa phương và một số tỉnh phía bắc, thông qua những dòng sản phẩm từ giống gạo VH1 như: Gạo tím thảo dược, trà gạo tím thảo dược, bột ngũ cốc thảo dược...

Cũng đầy cơ duyên như khi phát hiện ra giống gạo quý VH1, Nam tình cờ đọc được thông tin về cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” (nay là “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn”) lần thứ nhất trên các trang thông tin chính thức của T.Ư Đoàn. Nhận thấy đây là cơ hội để kết nối với các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, khoa học - công nghệ cũng như các nhà đầu tư, chương trình vay vốn ưu đãi... anh quyết định đăng ký dự thi. Trải qua nhiều vòng thi trong sáu tháng kể từ tháng 3-2018, dự án của anh Phạm Văn Nam xuất sắc giành Giải nhì chung cuộc với phần thưởng 30 triệu đồng và cơ hội vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm, với mức lãi suất 0,55%/tháng. Từ đây, anh mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng lúa lên 2 ha. Công ty của anh cũng mở được khoảng 10 đại lý phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước, với doanh thu hằng tháng hàng trăm triệu đồng.

Tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” lần thứ nhất vào tháng 3-2018. Ban tổ chức đã trao một Giải nhất, hai Giải nhì, ba Giải ba và bốn Giải khuyến khích với tổng phần thưởng tiền mặt hàng trăm triệu đồng và cơ hội vay vốn với lãi suất ưu đãi hàng tỷ đồng. Tận dụng thành công từ cuộc thi, nhiều dự án nay đã được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất, mang lại doanh thu và lợi nhuận cao như: “Green Blessing - Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm” (GB) của nhóm tác giả Hoàng Thị Hảo, Khúc Ngọc Huy, Định Hồng Diệp và Bùi Xuân Trường; “Sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu” của tác giả Nguyễn Anh Thy (Đồng Tháp)...

Tiếp nối thành công từ lần tổ chức đầu tiên, năm nay, Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn tiếp tục triển khai cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2019. Đối tượng tham gia cuộc thi là cá nhân hoặc nhóm thanh niên Việt Nam tuổi từ 18 đến 35, có ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp với tính mới, khả thi. Ban tổ chức sẽ trao một Giải nhất, hai Giải nhì, ba Giải ba và bốn Giải khuyến khích. Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương cho biết: Cùng với phần thưởng tiền mặt và nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, các bạn trẻ giành giải thưởng của cuộc thi còn có cơ hội được tiếp cận với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngay trong quá trình tham gia thi, thanh niên đam mê khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp sẽ được trau dồi các kiến thức về khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh... Trong khi đó, các doanh nghiệp ở lĩnh vực này cũng sẽ có cơ hội tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo cũng như các mô hình kinh doanh tiềm năng từ giới trẻ. Nói cách khác, cuộc thi chính là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp.