‘’Thủ phủ’’ điều gặp khó

NDO -

Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ” của cây điều. Bởi ở đây không những có diện tích, sản lượng điều lớn nhất cả nước mà còn là trung tâm chế biến hạt điều số 1. Tuy nhiên, những năm gần đây do sự tác động tiêu cực của thời tiết, đại dịch Covid-19 nên cả người trồng điều và doanh nghiệp chế biến gặp không ít khó khăn. Vụ điều năm nay người trồng điều ở Bình Phước phải đối mặt muôn vàn khó khăn, mất mùa, mất giá và thiếu cả nhân công thu hoạch điều.

Nhiều gia đình gặp khó trong việc thuê nhân công thu hoạch điều.
Nhiều gia đình gặp khó trong việc thuê nhân công thu hoạch điều.

1 kg hạt điều không đổi được bát phở

Năm nay, bước vào vụ thu hoạch điều ở Bình Phước xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa, do đó giá hạt điều tươi liên tiếp xuống thấp. Theo lý giải của các tiểu thương, giá hạt điều tươi thấp một phần là do khi mưa xuống hạt điều tươi khó bảo quản, nếu mưa nhiều ngày không phơi được dẫn đến mốc, chất lượng hạt điều giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến hạt điều cũng giảm mua hạt điều trữ vì các đơn hàng năm nay cũng giảm mạnh do đại dịch Covid-19.

Vườn điều gia đình chị Vũ Thị Hoa, thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước năm nay ra bông, kết trái sớm nên tránh được những cơn mưa trái mùa.  Nhờ đó vườn điều 3 ha của gia đình chị cho năng suất hơn 2,5 tấn/ha. Dù vườn được cho năng suất cao nhất vùng nhưng gia đình chị cũng chẳng lấy làm vui bởi giá điều tươi liên tiếp lao dốc không điểm dừng.

Chị Hoa cho biết, mặc dù mới đầu mùa nhưng giá hạt điều tươi thương lái chỉ thu mua với giá 28 nghìn đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ vụ điều năm 2020 khoảng 10 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày rớt một giá, đặc biệt là gặp trời mưa thương lái thậm chí còn chê không mua. Cứ đà này đến cuối mùa chắc giá còn khoảng 20 nghìn đồng/kg. Với giá này, người trồng điều may thì thu đủ tiền phân, thuốc, tiền công chăm sóc cả năm, đừng nói đến chuyện có lãi.

Do thời tiết bất thường nên cách nhà chị Hoa không xa vườn điều của gia đình chị Nguyễn Thị Min, thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng gần như mất trắng. Theo quan sát của chúng tôi, vườn điều gia đình chị Min bông bị cháy đen, quả non quắt queo lại, trên cây gần như không còn quả để thu hoạch dù đang bước vào chính vụ. Chị Min cho biết, thời điểm trổ hoa, vườn điều rất đẹp, gia đình kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, chỉ hai trận mưa trái mùa, sau đó nắng gắt kéo dài khiến cho bông điều bị khô, hoa rụng trứng gốc. Năm trước còn vớt vát được tiền phân, tiền thuốc, năm nay gần như mất trắng. Năm nay nhiều người mua điều bông đều xác định lỗ to, bởi tiền công chăm sóc 1 ha điều hết khoảng 15 triệu đồng.

Huyện Bù Đăng có diện tích cây điều lớn nhất của tỉnh Bình Phước, khi chiếm đến 1/3 diện tích (gần 59 nghìn ha). Ông Nguyễn Huy Long, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bù Đăng cho biết, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng vụ điều năm 2021 năng suất cây điều trên địa bàn huyện chỉ đạt khoảng 1,1 tấn/ha. Theo ông Long, nguyên nhân năng suất cây điều đạt thấp được cho do thời tiết diễn biến phức tạp. Thời điểm điều ra bông đã gặp đợt mưa trái mùa khiến khô bông, trái non bị rụng.

Đỏ mắt tìm công thu hoạch điều

Cùng với nỗi buồn cây điều mất mùa, giá thấp, người nông dân còn gặp khó trong việc thuê nhân công thu hoạch. Đơn cử như gia đình chị Thị Dốt ở thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng quả điều rụng vàng gốc, thậm chí nhiều chỗ quả điều rụng lâu hạt đã khô nhưng chị vẫn chưa thuê được nhân công thu hoạch. Với tình trạng này, vườn điều của chị chỉ gặp một vài trận mưa nặng hạt là hạt điều sẽ bị mốc, chất lượng giảm, thậm chí hạt có thể nảy mầm. Nhà ít người làm nên chị phải thuê nhân công, trả 250 nghìn đồng/ngày để thu hoạch nhưng vẫn không ai nhận.

Thủ phủ điều gặp khó -0
Nhiều vườn điều của các hộ dân ở huyện Bù Đăng gần như mất trắng vì gặp mưa trái mùa. 

Chị Thị Dốt chia sẻ, nhà có cả chục ha điều đang trong giai đoạn cho trái. Năm nay điều của gia đình cho trái cũng khá nên cần khoảng 10 công thu hoạch. Tuy nhiên, thuê người thu hoạch điều ở địa phương giai đoạn này khá khó khăn vì ai cũng lo việc gia đình mình. Do đó tôi phải nhờ người quen thuê được năm người ở tận tỉnh Quảng Ngãi. Hiện người hái điều thuê chỉ nhận thu hoạch những vườn điều bằng phẳng, nhiều quả với giá 3.000 đồng/ kg điều tươi. Đối với những vườn có địa hình dốc, ít quả người ta không nhận do không đạt công. Mình có thuê lên 4.000 nghìn đồng/kg cũng không ai để ý, do đó chủ vườn phải làm.

Với diện tích gần 10 ha cây điều lâu năm, lúc cao điểm mỗi ngày gia đình chị Thị Khươi, trú tại thôn 5, xã Đồng Nai thu về hơn một tấn hạt. Để giải bài toán nhân công, chị phải cất công lên tận Đắk Nông thuê người quen về thu hoạch. Tuy nhiên, ngoài trả thù lao thu hoạch điều bằng giá thị trường, chị còn lo việc ăn ở tại nhà mình. Chị Thị Khươi cho biết, ở đây rất nhiều gia đình không tìm được nhân công, gia đình tôi may mắn có người quen trên Đắk Nông mới tìm được nhân công. Hiện gia đình đang trả công với giá 3-4 nghìn đồng/kg hạt điều tươi tùy theo khu vực.

Anh Đinh Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng cho biết, toàn xã có hơn 3.000 ha điều, hiện cây điều đang bước vào chính vụ nhưng người dân gặp khó trong việc tìm kiếm công thu hoạch. Nguyên nhân khan hiếm nhân công là do những năm gần đây, việc chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông thôn vào làm việc tại các khu công nghiệp. Mặt khác, do tác động của dịch Covid-19 nên nhân công các tỉnh, thành phố khác ngại di chuyển vào Bình Phước làm thuê. Để giải quyết vấn đề khan hiếm nhân công, bà con phải vận dụng mối quan hệ gia đình để thuê mướn nhân công từ các tỉnh khác đến.

Trước đây, cây điều ở Bình Phước được xem là cây xóa nghèo bởi nó giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo. Gần đây, tỉnh Bình Phước đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nông dân tăng năng suất vườn điều, đồng thời đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến hạt điều. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư chế biến hạt điều chuyên sâu, nâng cao giá trị hạt điều và đủ điều kiện vươn đến những thị trường khó tính.

Song song với đó, Bình Phước cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hạt điều, vùng nguyên liệu điều sạch, liên kết nông dân thành các hợp tác xã trồng điều theo đơn đặt hàng của nông nghiệp… Qua đó, sớm đưa cây điều thành cây làm giàu cho nông dân và doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, do sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 giá điều năm nay đang chạm đáy, khiến người nông dân gặp khó.