Sơn La - vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc

NDO -

NDĐT - Vừa qua, tại TP Sơn La, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây ăn quả và HTX, tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản sáu tháng năm 2019. Kết quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với tiêu thụ, xuất khẩu đạt những con số ấn tượng đã đưa Sơn La trở thành địa phương trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc.

Ngày hội nhãn Sông Mã.
Ngày hội nhãn Sông Mã.

Bắt đầu từ năm 2015, Tỉnh ủy Sơn La thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc”, chuyển dịch diện tích trồng ngô và các cây trồng khác hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền đang đem lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, nếu năm 2015, diện tích cây ăn quả mới đạt 23.600 ha thì nay đã đạt 62.734 ha, sản lượng quả từ 101.30 tấn nay đã đạt 401.257 tấn, tăng 4,05 lần. Chỉ riêng diện tích cây nhãn đạt 15.090 ha, gấp hơn ba lần vùng nhãn của tỉnh Hưng Yên. Từ một tỉnh không xuất khẩu được một USD nào từ nông sản, năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt 115 triệu USD sang thị trường 12 nước, trong đó có thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Australia, UAE…

Sơn La - vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị.

Câu chuyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La bắt từ ưu thế tiềm năng khí hậu, đất đai mà nơi khác không có được. Sơn La nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, có hai cao nguyên Nà Sản và Mộc Châu, trong lưu vực của sông Đà và sông Mã. Đây là vùng đất có đặc điểm khí hậu cận ôn đới, đất perarit trên nền đá vôi hàm lượng mùn cao để cho ra sản phẩm cây ăn quả thơm, ngon, chất lượng cao có tính đặc sản.

Từ lợi thế đó, tỉnh Sơn La đã kiên trì chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chọn bộ giống tốt, thực hiện lai tạo, ghép cải tạo vườn tạp để hình thành nên các vùng trồng cây ăn quả có giá trị cao. Toàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, độ cao so mực nước biển từ 600 đến 1.200 m, gồm: nhãn 15.090 ha, xoài 12.090 ha, cây sơn tra 11.470 ha, cây chanh leo 2.046 ha, cây mận 8.746 ha, thanh long 117 ha, chuối 4.553 ha, cây ăn quả có múi 3.638 ha, cây na 226 ha, cây bơ 1053 ha,…

Vụ thu hoạch năm 2018, lần đầu tiên Sơn La xuất khẩu được ba tấn xoài vào thị trường Mỹ, mở đầu cho chương trình đẩy mạnh quảng bá xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa. Kết quả sản xuất cây ăn quả năm 2018, có khoảng 84.030 hộ gia đình, chiếm 37% số hộ toàn tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả. Trong đó, có 28 nghìn hộ gia đình vùng di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Năm 2018, Sơn La có diện tích cây ăn quả lên tới 58.824 ha, sản lượng đạt 218.026 tấn. Sơn La đã quan tâm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm rau, hoa quả tới tất cả các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh. Đến nay, đã có 67 chuỗi cung cấp hoa quả của Sơn La kết nối với các chợ đầu mối tại Hà Nội. Sản phẩm hoa quả của Sơn La đa dạng, với hàng chục loại quả có thế mạnh, đủ sức cạnh tranh vươn tới thị trường 12 nước, trong sáu tháng đầu năm vừa qua tỉnh mở rộng xuất khẩu hơn 600 tấn mận hậu sang Campuchia, chín tấn xoài sang Anh và Bỉ.

Tiếp nối kết quả sản xuất kinh doanh hoa quả năm 2018, bước sang năm 2019, Sơn La đã liên tiếp tổ chức ba hội nghị quan trọng, gồm: Gặp mặt biểu dương các hộ gia đình, HTX tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, Hội nghị sơ kết ba năm (2016 - 2018) thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Và mới đây. Sơn La tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu cây ăn quả sáu tháng đầu năm 2019. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kết nối sản xuất đến tiêu thụ cho thấy Sơn La đang quyết tâm chính trị rất cao, tạo nên bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tiếp tục xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển lực lượng sản xuất; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác; phát triển HTX nhằm hoàn thiện quan hệ sản xuất mới theo chuỗi giá trị, trong đó HTX đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Theo tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 81 triệu USD, trong đó giá trị nông sản xuất khẩu ước đạt trên 78 triệu USD (đạt 55,5% so với kế hoạch năm 2019) trong đó xuất khẩu được 16 loại sản phẩm, sang thị trường 15 nước (tăng ba nước). Dự kiến, những tháng cuối năm 2019 Sơn La sẽ xuất khẩu các sản phẩm nhãn, chanh leo, thanh long, bơ,… giá trị ước đạt 65 triệu USD, dự kiến sẽ vượt mức kế hoạch giá trị xuất khẩu 150 triệu USD đã đề ra trong năm 2019.

Sơn La - vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc ảnh 2

Các đại biểu dự Hội nghị tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp.

Trong sáu tháng đầu năm 2019, sản xuất nông nghiệp của Sơn La đang được mùa, được giá, được thu nhập cao cho người dân. Riêng quả mận hậu giá tăng đột biến, những năm trước giá dao động chỉ từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg, có lúc mua tại vườn giá chỉ 5.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá cao đột biến, mua tại vườn lên tới 30 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ ở Hà Nội và các trung tâm lớn có lúc lên tới 100 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, có hàng nghìn hộ dân ở Sơn La trồng mận hậu trúng to, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với quả xoài ghép Đài Loan cũng vậy, nếu năm 2018 giá chỉ khoảng 10 đến 12 nghìn đồng/kg thì nay giá tăng lên 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Kết quả này làm người dân Sơn La rất phấn khởi, tác động tích cực và có sức lan tỏa về chủ trương chuyển đổi sản xuất, đẩy mạnh trồng cây ăn quả chất lượng cao. Một phong trào trồng cây ăn quả, ứng dụng khoa học vào chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả đang lan rộng, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.

Nhớ lại, một chính sách được ví như “ngòi nổ” mang lại hiệu quả rõ nét, đó là ba năm trước tỉnh Sơn La quyết định hỗ trợ mỗi gia đình 200 nghìn đồng để ghép mắt, cải tạo vườn tạp. Toàn tỉnh có 78.982 hộ gia đình tham gia vào chương trình cải tạo vườn cây ăn quả. Chính sách có tính chất “mồi” này đã giúp các hộ gia đình nắm vững kỹ thuật lai ghép, phân biệt các loại giống, hiểu quy trình sản xuất sạch, hữu cơ… Đến nay, Sơn La hình thành được các vùng cây ăn quả tập trung, thích hợp với tiểu vùng khí hậu, có chất lượng cao tại các huyện: Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên. Thí dụ, những vùng có khí hậu nóng ẩm ở Sơn Mã, Yên Châu, Mường La, Mai Sơn thì trồng xoài, nhãn, cây có múi; vùng khí hậu mát ở Mộc Châu, Vân Hồ tập trung trồng mận hậu, bơ, chanh leo,…

Sơn La - vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc ảnh 3

Công bố thương hiệu xoài Sơn La và ngày hội xoài Yên Châu.

Về xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2018, quả xoài tròn Yên Châu được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Đến nay, có 18 sản phẩm nông sản, thực phẩm của Sơn La có thương hiệu, gồm: chè Shan tuyết Mộc Châu; cà-phê Sơn La; chè Olong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; chè Phổng Lái (Thuận Châu); nếp Mường Và (Sốp Cộp); cá tầm Sơn La; cá sông Đà (Sơn La); chè Tà Xùa (Bắc Yên); mật ong Sơn La; khoai sọ Thuận Châu. Năm 2019 tiếp tục xây dựng nhãn hiệu cho một sản phẩm là rau an toàn Sơn La và sáu sản phẩm quả được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận là nhãn Sông Mã - Sơn La; cam Phù Yên - Sơn La; táo Sơn tra - Sơn La; bơ Mộc Châu - Sơn La; na Mai Sơn - Sơn La; chuối Yên Châu; sáu tháng cuối năm 2019 tiếp tục xây dựng thương hiệu năm loại quả bao gồm: chanh leo Sơn La; xoài Sơn La; bơ Sơn La; nhãn Sơn La; mận Sơn La.

Từ những thành công bước đầu, Sơn La đã có được những bài học trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, Sơn La đã kết nối được giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân. Vai trò của HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 được nhìn nhận, đánh giá có vai trò quyết định từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nếu năm 2015, toàn tỉnh mới có hơn 100 HTX thì đến nay Sơn La đã có 588 hợp tác xã, tăng 33 hợp tác xã so với năm 2018, tăng 4,38 lần so với năm 2015. Diện tích đất sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp đạt 4.800 ha, tăng 300 ha so với năm 2018 và tăng 6,22 lần so với năm 2015. Vốn sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp đạt 490 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với năm 2018 và tăng 6,33 lần so với năm 2015; trong đó, vốn sản xuất kinh doanh của hợp tác xã cây ăn quả 301 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với năm 2018 và tăng gần 11 lần so với năm 2015. Năm 2019, doanh thu bình quân HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến đạt 2.040 triệu đồng/năm, tăng hai lần so với năm 2015; trong đó, doanh thu bình quân của HTX cây ăn quả đạt ba tỷ đồng/năm, tăng hai lần so với năm 2015. Lợi nhuận bình quân hợp tác xã nông nghiệp đạt 177 triệu đồng/năm, tăng hai lần so với năm 2015; trong đó, lợi nhuận bình quân HTX cây ăn quả đạt 300 triệu đồng/năm, tăng hai lần so với năm 2015.

Sơn La - vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc ảnh 4

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển cây ăn quả và HTX tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản còn một số hạn chế như: Vùng nguyên liệu xuất khẩu hiện còn phân tán, giống cây chưa đồng đều, số lượng, diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn ( VietGAP, GlobalGAP) còn thấp so với tổng diện tích; khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nhãn, mác phục vụ xuất khẩu tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế; chi phí vận chuyển cao. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bước đầu đã đạt được kết quả, nhưng chưa nhiều, doanh nghiệp, HTX chưa áp dụng rộng rãi. Diện tích cây ăn quả áp dụng VietGAP, GlobalGAP chiếm tỷ lệ còn thấp. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp của tỉnh tham gia xuất khẩu. Công tác kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các đơn vị thu gom đã đạt được kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn bất cập trong triển khai hợp đồng tiêu thụ. Kết quả xuất khẩu thông qua hệ thống chuỗi siêu thị còn hạn chế…

Tại Hội nghị này, tỉnh Sơn La cũng đã đề nghị các bộ và các cơ quan Trung ương hỗ trợ Sơn La phát huy tiềm năng, lợi thế, quy hoạch phát triển cây ăn quả phù hợp quy hoạch chung khu vực phía bắc và nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, HTX đầu tư nhà máy chế biến, sơ chế quy mô vừa và nhỏ gắn với các vùng nguyên liệu. Trong đó, quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, cấp mã vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn trong nước, xuất khẩu trong niên vụ 2019 và các năm tiếp theo; hỗ trợ cấp mã vùng trồng bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Không phát triển cây ăn quả một cách tràn lan, không làm kiểu phong trào, dự báo thị trường, tiêu thụ sản phẩm là những vấn đề được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm. Để tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân, Sơn La một mặt mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Sơn La ở thị trường nội địa. Tại các hội nghị, diễn đàn lớn, Sơn La luôn nhấn mạnh đến một nền nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng, có sức cạnh tranh. Đó là con đường không thể khác trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của Sơn La, để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sản phẩm mang tên Sơn La.

Với cách làm, bước đi mang tính đột phá, kết quả trồng cây ăn quả, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu và chế biến, nâng giá trị cây ăn quả đang giúp cho người nông dân Sơn La bước qua giai đoạn xóa đói, giảm nghèo, tiến tới có tích lũy, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đồng thời, kết quả về phát triển cây ăn quả, vai trò của HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu nhằm tổng kết thực tiễn, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.