Ý kiến nhà nông

Sớm xây dựng nhãn hiệu tập thể xoài Ba Màu

Tại tỉnh An Giang, mấy năm trở lại đây, nông dân huyện Chợ Mới đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa, vườn tạp sang cây ăn quả, nhiều nhất là xoài Ba Màu đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Từ năm 2015 đến nay, huyện đã chuyển dịch hơn 4.600 ha, tập trung nhiều ở xã Tấn Mỹ, xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân. Đến nay, Chợ Mới đã hình thành vườn cây ăn quả lên đến gần 6.500 ha, cây xoài vẫn là cây chủ lực với 5.707 ha, chiếm 88% diện tích cây ăn quả của toàn huyện; trong đó, có 127 ha xoài Ba Màu tại ba xã cù lao Giêng nêu trên đã đạt chứng nhận VietGAP với 137 hộ tham gia.

Tuy nhiên, hiện thị trường tiêu thụ xoài Ba Màu chủ yếu là Trung Quốc, có xuất khẩu sang Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a nhưng số lượng chưa nhiều. Xoài cũng được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, chưa có các doanh nghiệp xuất khẩu bao tiêu trực tiếp. Mới đây, khi Trung Quốc có thay đổi về điều kiện nhập khẩu trái cây với yêu cầu phải có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc thì hầu hết các nông hộ đều hết sức lo lắng vì chưa biết bắt đầu thực hiện từ đâu. Bên cạnh đó, giá xoài đạt chuẩn VietGAP và xoài sản xuất không có chứng nhận VietGAP vẫn chưa có sự khác biệt, khiến nhiều hộ nông dân không mặn mà duy trì diện tích VietGAP bởi khi thực hiện theo quy trình chuẩn VietGAP, các hộ dân phải đầu tư công sức và vất vả hơn rất nhiều trong khi năng suất lại có thể không cao.

Trước thực trạng nêu trên, để việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng xoài Ba Màu đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững, nông dân mong muốn các ngành chức năng sớm có kế hoạch và triển khai nhanh việc xây dựng nhãn hiệu tập thể xoài Ba Màu để hoàn thiện các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đó cũng là cơ sở để nâng cao giá bán cho các sản phẩm xoài trồng theo chuẩn VietGAP; đồng thời coi đó như một chất xúc tác trong quá trình vận động các hộ dân khác tham gia vào quy trình trồng xoài sạch, chất lượng cao.