Quế Quảng Ngãi được mùa xuất khẩu

NDO -

NDĐT – Giữa mùa thu hoạch quế, giá thu mua vẫn cao như đầu vụ. So năm ngoái, giá quế năm nay tăng mạnh nhờ xuất khẩu, đã giúp cho bà con miền núi Quảng Ngãi có nguồn thu lớn từ cây quế.

Bà con thu hoạch vụ “tiên quế” năm 2020. Bóc tách vỏ quế nguyên vẹn giá bán sẽ cao hơn.
Bà con thu hoạch vụ “tiên quế” năm 2020. Bóc tách vỏ quế nguyên vẹn giá bán sẽ cao hơn.

Vụ “tiên quế” không có hàng để bán

Hơn tháng qua là cao điểm thu hoạch quế của bà con nông dân miền núi Quảng Ngãi. Trên những cánh rừng quế bạt ngàn ở huyện Trà Bồng và các xã khu tây (huyện Tây Trà cũ), bà con vùng cao khẩn trương ngay từ đầu vụ.

Nhà có hơn 1.000 cây quế, hơn tháng qua bà Hồ Thị Sương ở xã Trà Hiệp (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) thuê thêm người thu hoạch để kịp bán cho thương lái thu mua. Dưới tán rừng quế, những mũi dao chạy vòng quanh thân cây, tách nhẹ vỏ quế bong ra ngoài. Bà Sương sắp xếp cẩn trọng ống quế tươi tránh bị gãy vụn. Gần 20 lao động chủ yếu là bà con trong xã nên việc khai thác quế dễ dàng và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Năm nay giá quế tăng cao, bà Sương quyết định khai thác những cây quế to nhất trong vườn để bán. Nhiều cây quế hơn 20 năm tuổi, thân to vỏ dày, chất lượng tinh dầu tốt hơn, bà bán với giá cao hơn.

“Mấy cây quế lâu năm tinh dầu nhiều, nhất là phần nách quế. Mỗi cây thu hoạch bán gần 5 triệu đồng. Quế tươi bằng cổ tay cũng được 50 nghìn đồng mỗi ký. Giá cao nên năm nay tui thu vỏ bán hết”, bà Sương phấn khởi.

Sau hơn tháng thu hoạch quế, bà Nguyễn Thị Mai ở xã Trà Lãnh thu gom cành, lá và vỏ vụn quế chờ người đến giao hàng. Cành quế sau khi phơi khô được bà Mai bó lại, lá quế dồn trong các bao tải gọn, dễ vận chuyển. Vỏ quế được bà bán tất cả cho đại lý thu mua. Cuối vụ, những sản phẩm phụ như cành, lá, quế vụn cũng được tiêu thụ mạnh từ các điểm mua bán lẻ có nhu cầu. Bà Mai cho biết, tất cả các sản phẩm từ cây quế đều được thu mua với nhiều giá khác nhau, tùy vụ mùa. “Mình không có quế để mà bán đấy chứ. Năm nay, họ thu mua nhiều lắm. Cứ lột vỏ tới đâu có người thu mua tới đó, giá cũng khá cao nên bà con đi rừng quế nhiều. Tui bán từ 45 nghìn đến 55 nghìn đồng mỗi ký, tuỳ quế nguyên vỏ hay vụn. Cành, lá cũng được vài nghìn đồng mỗi ký”, bà Mai chia sẻ.

Ở miền núi Quảng Ngãi, mỗi năm bà con nông dân có hai đợt thu hoạch quế. Từ cuối tháng 2 đến tháng 4 là cao điểm vụ “tiên quế”, tức vụ thu hoạch quế đầu tiên trong năm; từ tháng 7 đến tháng 8 là “hậu quế”, tức vụ thu hoạch lần cuối trong năm. Vụ “tiên quế” năm nay, bà con đồng bào Cor miền núi được mùa lẫn được giá cao.

Quế Quảng Ngãi được mùa xuất khẩu ảnh 1

Xuất khẩu quế tăng mạnh

Dù giữa mùa thu hoạch, quế Trà Bồng – đặc sản tự nhiên nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi – vẫn được giá như đầu vụ. So những năm trước, giá quế năm nay tăng mạnh và nhu cầu thu mua xuất khẩu ra nước ngoài cũng nhiều hơn.

Huyện Trà Bồng - “thủ phủ” của vùng nguyên liệu quế tỉnh Quảng Ngãi hiện có ba doanh nghiệp thu mua, cung ứng hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều đại lý và các điểm thu mua lẻ về tận vườn, rừng thu mua quế cho nhà nông miền núi. Nếu như những năm trước, giá quế thu mua từ 20 - 35 nghìn đồng/kg thì năm nay, giá quế tăng cao hơn 30 - 40%. Tùy sản phẩm quế ống, quế vụn sẽ có mức giá từ 45 – 55 nghìn đồng/kg; các sản phẩm phụ như cành, lá cũng được đại lý, thương lái thu mua từ 2.000 – 5.000 đồng/kg.

Từ đầu vụ đến nay, Công ty Thương mại Hiếu Dũng ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng thu mua gần 300 tấn quế tươi và các sản phẩm từ cây quế. Dự kiến, năm nay đơn vị này sẽ thu mua, xuất khẩu khoảng 600 tấn, tăng 30% so với năm ngoái; chủ yếu là quế ống để chế biến tinh dầu, hàng gia dụng và xuất khẩu.

Bà Trần Thị Minh Hiếu, Giám đốc Công ty Thương mại Hiếu Dũng cho biết, sản lượng xuất khẩu năm nay tăng mạnh hơn nhiều so với mùa trước. Thời điểm hiện tại, tất cả quế thu hoạch được sơ chế, bảo quản và cung ứng cho các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để xuất bán thị trường châu Âu, Trung Đông. “Sản lượng xuất khẩu mới đầu vụ đã tăng mạnh, chúng tôi đã bán cho các đối tác khách hàng gần 300 tấn. Họ thu mua rồi xuất đi nước ngoài. Năm nay nhu cầu lớn nên bao nhiêu chúng tôi cũng mua của bà con để bảo đảm nguồn hàng cho đối tác”, bà Trần Thị Minh Hiếu chia sẻ.

Trung tuần tháng 2 đến nay, các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi đã thu mua khoảng 800 tấn quế các loại của bà con nông dân miền núi huyện Trà Bồng và sáu xã khu tây Trà Bồng (huyện Tây Trà cũ). Nhiều đại lý, thương lái cũng thu mua trong dân hơn 200 tấn quế tươi và sản phẩm từ cây quế. Tất cả sản lượng thu mua tại vùng nguyên liệu được các doanh nghiệp cung ứng cho một phần thị trường trong nước để chế biến tinh dầu, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… và phần lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ…

Chị Phạm Thị Thy, chủ đại lý thu mua quế xã Trà Sơn cho biết, năm nay hàng khan hiếm, lượng tiêu thụ lớn nên thuê thêm nhân công giúp các chủ vườn thu hoạch. Mỗi ngày, cơ sở chị Thy thu mua từ 1,5 – 2 tấn quế các loại và bán cho thương lái các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.

“Họ mua nhiều lắm nên mình về các xã vùng sâu để mua từ bà con rồi chuyển ra thị trấn bán. Từ đầu tháng ba đến giờ tôi thu mua được hơn 60 tấn quế rồi đó”, chị Thy tươi cười cho biết.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có gần 6.000 ha quế các huyện miền núi, chủ yếu là ở vùng cao Trà Bồng; năng suất bình quân 9,5 tấn/ha. Riêng vụ thu hoạch quế xuân năm nay, sản lượng xuất khẩu tăng 20% so với cùng kỳ. Ngoài rừng keo trồng khai thác hằng năm thì cây quế cũng là nguồn thu nhập chính của bà con đồng bào Cor vùng cao Quảng Ngãi.

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huỵện Trà Bồng cho biết, nhu cầu các sản phẩm từ hương liệu quế năm nay tăng cao nên quế được mùa, giá cao hơn so với mùa vụ những năm trước.

“Quế là một trong những sản phẩm chủ lực của miền núi chúng tôi. Nhu cầu tăng, được giá xuất khẩu giúp cho bà con miền núi có doanh thu cao hơn là điều rất mừng. Chúng tôi đang tập trung thực hiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà Bồng. Hy vọng giá trị của hương quế Trà Bồng sẽ tăng cao hơn nữa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng khẳng định.

Quế Quảng Ngãi được mùa xuất khẩu ảnh 2

Được mùa và xuất khẩu quế tăng mạnh giúp bà con miền núi Quảng Ngãi thu nhập cao từ sản phẩm bản địa.