Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía bắc

NDO -

Ngày 4-12, tại tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn “Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía bắc”.

Diễn đàn thu hút đông đảo các chuyên gia, hợp tác xã ở các tỉnh phía bắc.
Diễn đàn thu hút đông đảo các chuyên gia, hợp tác xã ở các tỉnh phía bắc.

Tham dự diễn đàn có đại diện các Cục, vụ, viện, Trung tâm Bộ NN và PTNT, các hợp tác xã và hộ gia đình chăn nuôi tiêu biểu từ các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang.

Năm 2020 đàn gà trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào khoảng hơn 8 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng dự kiến đạt hơn 23 nghìn tấn. Trong giai đoạn chăn nuôi gia súc và lợn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì chăn nuôi gà đang là một giải pháp tốt để phát triển ngành chăn nuôi tại địa phương. Tập trung phát triển các giống gà bản địa (gà Lạc Thủy, Lạc Sơn) có chất lượng thơm ngon, giá bán ổn định; chăn nuôi gà theo các mô hình thả đồi, thả vườn áp dụng các kiến thức chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh có năm nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất khoảng 675 nghìn tấn/năm, có 225 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Đã hình thành các mô hình chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả với chín hợp tác xã chăn nuôi gà và việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho vật nuôi của địa phương đã được chính quyền quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2019, hai nhãn hiệu tập thể đã được cấp giấy chứng nhận và chỉ dẫn địa lý là gà Lạc Sơn, Lạc Thủy và sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao là gà Lạc Thủy, đạt 3 sao là gà Hương Nhượng, Thuận Phát…. 

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như quy mô sản xuất gia cầm trên địa bàn tỉnh nhiều nơi còn nhỏ lẻ, mất an toàn trong khâu quản lý, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh; hợp tác xã và người chăn nuôi còn chậm nâng cao năng lực sản xuất và điều hành; nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi còn hạn chế; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi còn chậm, chưa đồng bộ; chính quyền một số nơi chưa chú trọng vào công tác phát triển chăn nuôi…

Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã trao đổi về các giải pháp phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP từ phương thức chăn nuôi, chế biến, và tiêu thụ các sản phẩm...