Nghề làm đệm bàng dưới chân núi Nước

NDO -

NDĐT - An Giang từng có nhiều xóm nghề sống bằng nghề đệm bàng nổi danh khắp vùng sông núi, nhưng theo thời gian nghề xưa thưa thớt dần, tại các thành thị, phố xá mấy ai còn trải nệm bàng ngủ như xưa…

Đệm bàng ngày xưa rất được ưa chuộng từ nông thôn đến thành thị.
Đệm bàng ngày xưa rất được ưa chuộng từ nông thôn đến thành thị.

Khắc khoải nghề xưa

Núi Nước nằm trong quần thể núi Thất Sơn thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn còn sót lại xóm nghề đệm bàng. Lúc trước, vùng núi đồi Thất Sơn rất nhiều xóm nghề đệm bàng nhưng dần dần xóm nghề tan rã, lúc xưa, sáng hay chiều, bên xứ núi luôn rộn ràng tiếng cười nói của các cô thợ đệm, tiếng hò à ơi của các cô gái trẻ ngồi tẩn mẩn đương đệm bàng. Bây giờ, khung cảnh xưa vẫn còn đó nhưng khung cảnh trầm lắng, bên mái hiên chỉ còn hình ảnh các cụ bà, phụ nữ tuổi đã quá 30 ngồi còng lưng đan đệm. Một phụ nữ cao tuổi buông tiếng thở dài, nói, bây giờ, những cô gái trẻ chán cảnh ngồi gò bó với công việc buồn tẻ, đơn điệu nên bỏ nghề xưa đi xa làm công nhân ở các khu công nghiệp xa quê nhà còn hơn là ngồi đệm bàng.

Xóm làm đệm bàng ngày xưa đông vui nhưng nay còn khoảng hơn 10 hộ sống với nghề. Buổi chiều, xóm bàng khá yên ắng, trước hiên nhà lác đác những phụ nữ ngồi với công việc quen thuộc hằng ngày, hai bàn tay chậm rãi đương từng cọng bàng. Bà Lê Thị Xê (41 tuổi) gắn bó với nghề hơn 25 năm kể, nghề này cực nhưng mỗi ngày kiếm lời vài chục nghìn đồng, số tiền tuy không nhiều, ít nhưng công việc làm suốt nên cũng sống được ở vùng quê.

Nghề làm đệm bàng dưới chân núi Nước ảnh 1

Nghề đệm bàng bây giờ chỉ còn những phụ nữ cao tuổi trụ lại với nghề.

Để có nguyên liệu làm đệm bàng, các thợ như bà Xê phải đặt mua lá bàng ở tận huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, các lá bàng được bó lại từng ốp gọi là neo, một neo bàng tùy theo thời điểm giá từ 16 nghìn đến 20 nghìn đồng/neo, phải mất hơn ba neo bàng mới làm ra một chiếc đệm bàng. Những người thợ cả cao tuổi nói rằng, nghề làm bàng hầu hết “mẹ truyền con nối”, còn cánh đàn ông ưa bay nhảy, ngồi bó gối đương bàng một hồi là chán nản, đàn ông có thể đan chiếu chứ không chịu làm nghề đan đệm là vậy. Nghề đệm bàng cùng với việc giã lá bàng là công việc đơn điệu nên cánh đàn ông cũng không thích làm.

Bây giờ đã có máy móc ép cọng bàn nên các cô thợ đỡ cực, còn hồi xưa, để giã cho lá bàng thành từng cọng nhỏ các cô gái trẻ phải cầm cái chày to và cao hơn 1,5 m giã liên tục. Phải hơn mấy giờ đồng hồ lá bàng mới nát ra thành các cọng nhỏ khi ấy mới dùng làm nguyên liệu để đương đệm. Do cầm cái chày to giã lá bàng liên hồi nên lâu dần cánh tay của các cô thợ trở nên thô kệch, bàn tay rắn rỏi đâu kém gì tay đàn ông.

Vắng tiếng đệm bàng

Các thợ cô cho biết, giá chiếc đệm ngang 1,6 m, dài 2 m được bán từ 130 nghìn đến 180 nghìn đồng tùy thời điểm. Bà Nguyễn Thị Tím (48 tuổi) nói nghề đương bàng rất cực, phải ngồi tập trung tinh thần theo từng mối đương nên ngồi lâu riết ai cũng đơ cổ, mỏi lưng. Bà cười: “Mẹ và mấy cô dì tôi cũng sống bằng nghề này, lúc còn là con gái tôi đã được dạy nghề, đến nay đã gần 30 năm sống với nó rồi, một ngày đương được một đến hai chiếc đệm kiếm lời được 50 nghìn đến 70 nghìn đồng. Nói thật lòng, ngồi một chỗ đương hoài nhiều khi cũng chán nhưng buông ra không biết làm gì”.

Ký ức xưa lại ùa về với những người thợ tuổi đời về già như bà Tím, ngày xưa, những năm 1990 trở về trước, chiếc đệm bàng được sử dụng rộng rãi từ thành thị cho đến nông thôn. Đặc biệt, trong mùa đông giá lạnh kéo dài, chiếc đệm bàng giữ nhiệt tốt, ngủ rất ấm nên mùa đông đệm bàng luôn bán rất đắt. Ngoài đan đệm bàng để lót giường ngủ, cánh thợ còn đan giỏ đệm, nón đệm, bao cà ròn chứa lúa và chúng cũng được ưa chuộng do sử dụng bền lâu. Lúc đó, gặt lúa thóc xong chưa có máy sấy, lò sấy như bây giờ nên nhà nông phải dùng đệm bàng để phơi lúa cho mau khô nên chiếc đệm bàng rất có giá trị từ vùng nông thôn cho đến thị thành.

Nghề làm đệm bàng dưới chân núi Nước ảnh 2

Một phụ nữ ngồi tỉ mỉ đương từng cọng bàng thành đệm.

Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, đệm bàng trở nên quê mùa, lạc hậu do thành thị thích sử dụng đệm bằng cao-su trải trong phòng ngủ hơn ngủ trên đệm bàng. Dần dần chiếc đệm bàng quê mùa bị đẩy lùi về các vùng nông thôn, miền hẻo lánh. Rồi theo thời gian, các giỏ đệm, nón đệm, cà ròn cũng trở nên lạc hậu dần khi máy móc sấy lúa, giỏ xách mũ, bọc ni-lông xuất hiện nên việc tiêu thụ các sản phẩm từ bàng cũng kém hẳn đi. Ngày xưa, đan, bán làm đệm ngủ là chủ yếu, còn bây giờ đa phần bán đệm để làm vật dụng phơi lúa hoặc phơi bánh phồng mì, bán đệm cho các nơi thờ tự, đình miếu lót nền cho người dân tới làm lễ cúng bái…

Các cô thợ nói, ngày xưa bàng mọc hoang vu thành đồng cỏ ở một phần đất Thất Sơn và còn lại thuộc cánh Kiên Lương, Hà Tiên của Kiên Giang nên ngày xưa đi hái lá bàng miễn phí chứ không mua bán như bây giờ. Sau này, các chủ nhân đồng cỏ bàng nhận thấy lợi nhuận nên không cho hái nữa mà phải mua. Thế là thợ làm đệm bàng mất thêm một phần thu nhập từ cọng bàng. Cọng bàng rất dai, phải dùng cái chày to giã rất cực nhưng rất vui do chòm xóm rủ nhau làm chung tán chuyện, ca hát, diễn trò vui cho vơi đi nhọc nhằn. Thế rồi, từ ngày có máy giã bàng thì tiếng chày giã bàng trong đêm trăng, trong chiều hôm đã không còn nữa. Lần hồi xóm nghề mất đi một âm thanh quen thuộc đã bao đời gắn bó nuôi bao phận người.

Vùng Thất Sơn ngày xưa có hàng trăm hộ sống với nghề đệm bàng nhưng nay vắng dần, những cô gái năm xưa nay tóc đã nhuốm màu thời gian đang âm thầm bấu víu nghề truyền thống cùng những suy nghĩ vu vơ mai này nghề đệm bàng còn chăng dưới chân núi Nước.