Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ

NDO -

Nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ thuộc thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) có lịch sử khoảng 400 năm. Những kỹ thuật khéo léo truyền đời tạo nên những sản phẩm tinh xảo, riêng có khiến Kiêu Kỵ trở thành một làng nghề có một không hai ở Việt Nam.

Những sản phẩm dát vàng tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp.
Những sản phẩm dát vàng tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp.

Theo một số ghi chép, vào khoảng thế kỷ 17, ông Nguyễn Quý Trị, người đầu tiên làm nghề và truyền lại cho người dân trong làng. Từ đó đến nay, trải qua nhiều thăng trầm nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được nghề tổ truyền với những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tinh xảo có thể dát vàng trên mọi chất liệu.

Hiện trong làng có gần 50 gia đình có nhiều đời làm nghề, những nghệ nhân trong làng luôn tự hào với nghề “có một không hai ở Việt Nam”. Đặc điểm riêng có khi đến với làng nghề là âm thanh phát ra từ những tiếng búa “đánh quỳ” lạch cạch. Bên trong nhà, những cụ già, em nhỏ với bàn tay khéo léo làm các công đoạn, như cắt vàng miếng thành từ mảnh nhỏ khoảng 1 cm2 hay còn gọi là “cắt dòng”. Sau đó là khâu đập quỳ, một chỉ vàng sau khi đập quỳ mỏng có diện tích khoảng 1 m2. Đây là công đoạn chỉ nơi đây làm được; sang vàng hay còn gọi là “trại quỳ”; dát quỳ vàng hay còn gọi là “thiếp vàng” trên các sản phẩm đòi hỏi có kinh nghiệm và sự khéo léo. Chính vì những kỹ thuật có một không hai này mà nhiều nghệ nhân trong làng còn được mời đến khắp các vùng miền đất nước để dát vàng theo yêu cầu của khách hàng. Bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều sản phẩm công nghiệp, nhưng với tâm huyết, kiên trì gắn bó với tổ nghề, những sản phẩm thủ công dát vàng có độ tinh xảo của Kiêu Kỵ vẫn giữ được những giá trị riêng, được nhiều người ưu chuộng. Nhờ đó, những gia đình làm nghề nơi đây ngày càng trở nên khấm khá.

Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
 
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -1
 Các công đoạn “cắt dòng” và “sang vàng” tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp. Đây là công đoạn phải làm trong phòng kín, không được dùng quạt vì vàng sau khi quỳ rất mỏng, chỉ cần gió nhẹ cũng có thể làm bay những lá vàng. 
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
 Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp thực hiện “đập quỳ”, công đoạn cần có nhiều kinh nghiệm. Người đập quỳ phải đập liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ, với sự tập trung cao, nếu không quỳ sẽ không đều, nát hoặc có thể sẽ đập vào tay.
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
 
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -1
 Những nghệ nhân trẻ làng nghề Kiêu Kỵ hằng ngày tham gia những công đoạn trong nghề dát vàng.
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
Cụ Nguyễn Thị Bính, hơn 80 tuổi đã nhiều năm trong nghề tổ truyền đang thực hiện công đoạn “sang vàng” đòi hỏi sự khéo léo. 
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
Sản phẩm “quỳ vàng” của các nghệ nhân chỉ có ở làng nghề Kiêu Kỵ.  
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
 Bôi keo trước khi dát vàng trên sản phẩm sứ tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Anh Chung.
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
Những lá vàng được dát lên sản phẩm sứ. 
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
 Sau khi dát vàng các nghệ nhân đánh bóng bề mặt sản phẩm.
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -0
 
Nét riêng có ở làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ -1
Một buổi dâng lễ của các nghệ nhân trong ngày giỗ tổ nghề dát vàng nhằm tri ân tổ nghề và cũng là nét đẹp để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau tiếp nối, giữ lửa nghề.