Cách thức làm giàu

Mô hình tôm - lúa

Theo Tổng cục Thủy sản, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn khuyến khích nông dân chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa. 

Điển hình là mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành gồm hơn 30 ha với 30 tổ viên. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành hỗ trợ chi phí giống lúa ba triệu đồng/ha, bốn triệu đồng/ha nuôi tôm càng xanh. Nuôi tôm theo mô hình này, tôm lớn tự nhiên, không tốn nhiều chi phí thức ăn và nhẹ công chăm sóc, lại ít bệnh, thịt chắc và ngon ngọt tự nhiên. Còn sản xuất lúa thì hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc hóa học, bảo đảm sức khỏe người gieo cấy. Sản phẩm tôm - lúa sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, cho nên nông dân yên tâm sản xuất. So với trước đây khi độc canh cây lúa, các hộ chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, cho năng suất tôm nuôi bình quân đạt khoảng 380 đến 500 kg/ha, giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp hai, ba lần. Nhờ đó, nhiều nông dân đã ăn nên làm ra, có thu nhập cao. Điển hình như hộ ông Huỳnh Văn Bạc (ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú). Với 3 ha trồng lúa mùa, thả tôm càng xanh, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 160 triệu đồng/vụ.

Hay như ông Mai Văn Phúc (ngụ ấp 13, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận), một năm gia đình ông làm một vụ lúa và ba vụ tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh và nuôi cua. Tổng lợi nhuận gia đình ông Phúc thu từ 2,3 ha nuôi tôm - lúa đạt hơn 300 triệu đồng/năm.

Theo định hướng phát triển của tỉnh Kiên Giang, sau năm 2020, Kiên Giang tiếp tục chuyển đổi khoảng 20.000 ha vùng sản xuất lúa phía nam quốc lộ 80 (thuộc huyện Hòn Đất và Kiên Lương) sang mô hình tôm - lúa.