Lạng Sơn tháo gỡ khó khăn cho người trồng ớt

NDO -

NDĐT - Theo thống kê của Sở NN-PTNT Lạng Sơn, năm 2020, diện tích gieo trồng ớt toàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay với 1.389 ha, tăng gần gấp đôi so năm 2019. Tuy nhiên, mới đầu vụ thu hoạch, giá ớt rất bấp bênh có lúc chỉ bằng 1/5 so cùng kỳ, khiến người trồng ớt lo lắng.

Người dân ở thôn Chằm Páng, thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng) đang khẩn trương thu mua ớt.
Người dân ở thôn Chằm Páng, thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng) đang khẩn trương thu mua ớt.

Vào những ngày giữa tháng 5, đi dọc Quốc lộ 1A qua địa phận các xã: Chi Lăng, Quang Lang, Mai Sao, Nhân Lý... của huyện Chi Lăng, ở đâu cũng nhìn thấy những thửa ruộng bạt ngàn cây ớt. Nhìn những trái ớt chín đỏ mọng trên cây. Những người nông dân đang tranh thủ thời tiết để thu hái.

Anh Hoàng Văn Cường, ở thôn Chằm Páng, thị trấn Đồng Mỏ, (Chi Lăng) dừng tay hái ớt, trò chuyện, năm nay, gia đình anh trồng hơn ba sào ớt xuất khẩu, với diện tích này này năm ngoái thu được gần một tấn ớt tươi, năng suất đạt 300kg/sào, cho thu gần 100 triệu đồng. Cụ thể, năm 2019, giá ớt đầu vụ tăng đến 100.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 50.000 đồng/kg, giá trung bình cả vụ 70.000 đồng/kg, thì năm 2020, ngay từ đầu vụ, giá ớt loại 1 (ớt xuất khẩu) mới được 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg; giá ớt rất bấp bênh, không ổn định, có lúc loại 2 (tiêu thụ nội địa) từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Với giá ớt thu mua thấp như những ngày gần đây, nông dân không khỏi lo lắng.

Anh Hoàng Văn Cường chia sẻ thêm, tuy giá ớt lên xuống thất thường nhưng so những cây trồng khác thì vẫn hơn vì cây ớt chỉ trồng trong ba tháng đã cho thu hoạch. Hết vụ ớt lại cấy thêm được một vụ lúa hè thu. Mặt khác, nếu không trồng cây ớt thì nhiều diện tích đất còn bỏ hoang, vì chưa tìm thấy cây rau màu nào có thể mạnh hơn cây ớt.

Anh Nông Văn Thiết, ở Vân Thủy (Chi Lăng) thổ lộ, năm ngoái, gia đình anh trồng hai sào ớt, bán với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, trừ chi phí có lãi hơn 40 triệu đồng. Vụ ớt năm nay, anh trồng bốn sào. Nếu giá thu mua thấp như hiện nay thì vụ này coi như lỗ vốn vì anh đã bỏ tiền mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vào khoảng 12 triệu đồng cho bốn sào. Đấy là chưa kể ba lao động của gia đình anh thường xuyên chăm sóc, thu hái ớt cả vụ ròng rã ba tháng.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhân Lý (Chi Lăng) Vi Văn Lê cho biết, năm 2020, thời tiết có diễn biến phức tạp, đầu năm xảy ra mưa lớn, mưa thường xuyên ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây ớt. Để có những cây ớt xanh tốt, sai quả, người nông dân đã bỏ không ít công sức chăm sóc, phòng bệnh, ngăn ngừa ngập úng, chính vì vậy, chi phí sản xuất tăng. Ớt chủ yếu được tư thương thu mua xuất tươi sang thị trường Trung Quốc, hiện giá ớt lên xuống thất thường, có ngày sáng một giá, chiều lại giá khác... Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, ớt xuất sang biên giới cũng có phần khó khăn hơn, do phía nước bạn siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đại lý thu mua nông sản Nguyễn Thị Duyên, ở Khun Thống, thị trấn Chi Lăng, chia sẻ, giá ớt thời gian qua rất bấp bênh, vụ ớt năm 2019, lúc đầu vụ giá ớt có thời điểm cao nhất hơn 100 nghìn đồng/kg. Đến năm nay, giá ớt giảm liên tục, đầu vụ giá ớt thu hơn 28 nghìn đồng/kg, nhưng nay giảm xuống chỉ còn 8 đến 10 nghìn đồng/kg. Năm nay, diện tích trồng ớt tăng cao, sản lượng dồi dào, trong khi phía Trung Quốc thu mua hạn chế nên giá thấp. Thương lái như chị Duyên cũng gặp nhiều khó khăn.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng, Lương Thành Trung nhận định, diện tích trồng ớt năm nay của huyện là 826 ha, tăng 326 ha so năm 2019; sản lượng ớt năm nay cả huyện ước đạt từ năm đến sáu nghìn tấn. Năm 2019, ớt có giá cao, vì thế, năm 2020, nông dân tập trung phát triển loại cây này. Dự báo được điều này, ngay từ đầu vụ gieo trồng, Phòng Nông nghiệp huyện đã có văn bản gửi các xã, thị trấn khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích. Tuy nhiên, người dân vẫn ồ ạt trồng ớt.

Để hỗ trợ cho người nông dân tiêu thụ ớt tạo đầu ra ổn định, ngay từ cuối tháng 3, lãnh đạo huyện đã tổ chức buổi gặp trực tiếp với các tổ chức, cá nhân thu mua ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng. Qua đó, nắm bắt tâm tư của các tư thương cũng như dự kiến định lượng mà các tư thương sẽ thu mua trong vụ ớt này. Từ đó, thống nhất phương thức thu mua, tạo sự ổn định về giá cả, tránh tình trạng ép cấp, ép giá, kkiến bà con nông dân trồng ớt bị thua thiệt.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Văn Chiều cho biết, từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng nông sản (trong đó có ớt) năm trước được mùa, được giá thì năm sau người dân mở rộng diện tích gieo trồng ồ ạt một cách tự phát dẫn đến cung vượt cầu. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn cần tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, định hướng sản xuất một cách hợp lý. Quan trọng hơn cả là nông dân cần tìm hiểu kỹ thị trường trước khi đầu tư, tránh gieo trồng ồ ạt dẫn đến dư thừa sản phẩm, khó tiêu thụ, bấp bênh về giá.

Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng ớt, tỉnh đã chỉ đạo các huyện có diện tích trồng ớt lớn, như: Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc... tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và thời điểm này là ớt. Đồng thời, phối hợp Sở Công thương, Sở Ngoại vụ nhằm tìm những doanh nghiệp thu mua ớt với số lượng lớn, tìm hướng xuất khẩu cho sản phẩm ớt ổn định và bền vững.

Lạng Sơn tháo gỡ khó khăn cho người trồng ớt ảnh 1

Các cơ sở thu mua ớt, ở huyện Chi Lăng phân loại ớt để xuất khẩu.