"Kích" dòng vốn chảy đúng đích

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm, nhưng đến giữa tháng 9 này, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) mới đạt mức 6,2%. Thực tế này đang đặt toàn ngành đứng trước một thách thức không nhỏ khi chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, tín dụng phải bảo đảm mức tăng trưởng tối thiểu từ 6% đến 8% để hoàn thành kế hoạch năm.

Đoàn cán bộ Ngân hàng Nhà nước khảo sát dự án vay vốn tại Công ty Tiến Nông (Thanh Hóa).
Đoàn cán bộ Ngân hàng Nhà nước khảo sát dự án vay vốn tại Công ty Tiến Nông (Thanh Hóa).

Ngân hàng "săn" doanh nghiệp Câu chuyện NH "đốt đuốc tìm DN tốt" đã được nhắc tới nhiều từ gần một năm nay, khi tăng trưởng tín dụng luôn trong tình trạng ỳ ạch. Bên cạnh việc liên tiếp tung ra các gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, các chương trình khuyến mại, tặng quà, tăng cường các dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo hợp đồng tín dụng,... được các NH công bố rộng rãi. Bản thân các NH cũng không ngừng tung cán bộ đến từng cơ sở, cử những lãnh đạo cấp cao nhất tham gia các đoàn công tác của NHNN đến làm việc ở từng địa phương để từ đó tìm ra những địa chỉ tốt "đổ" vốn.

Nhiều DN tốt, mô hình kinh tế hiệu quả đã được các NH nhắm tới như một mục tiêu khách hàng cần khai thác.

Công ty CP công nông nghiệp Tiến Nông (TP Thanh Hóa) là một thí dụ điển hình cho câu chuyện NH đi tìm DN như vậy, khi mới đây, đích thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác, trong đó có cả ba vị Tổng giám đốc của các NHTM lớn là Agribank, Vietcombank và VietinBank tới tận nơi để khảo sát dự án. Theo Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong, DN đã thuê đất của 165 hộ dân trong xã Hoàng Anh (TP Thanh Hóa) để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa với tổng diện tích dự kiến 10 nghìn ha, sản xuất hai vụ/năm. Nếu áp dụng mô hình này sẽ làm lợi cho người nông dân khoảng 2.000 đồng/kg thóc. "Sau một thời gian thí điểm làm thử, bà con rất phấn khởi vì không những tránh được hoang hóa ruộng đồng, họ còn thu lợi được từ sản xuất cây lúa", Tổng giám đốc Phong chia sẻ. Nhưng theo tính toán, tổng vốn đầu tư để triển khai dự án dự kiến là gần 200 tỷ đồng, vốn đối ứng của DN hiện có là gần 60 tỷ đồng.

"Các NH đang cho Tiến Nông vay với gần 50% khoản vay là tín chấp, nhưng vẫn theo lãi suất thương mại thông thường.

Nay với dự án này, chúng tôi cần sự hỗ trợ ưu đãi hơn từ phía các NH để thực hiện mục tiêu 10 nghìn ha lúa chất lượng cao cho nông dân", Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong mong mỏi.

Ngay sau khi trực tiếp làm việc với DN, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhận định: Với định hướng phát triển của công ty, NH có cơ sở để tin tưởng đây sẽ là một mô hình kinh tế thiết thực và hiệu quả.

"Với các dự án tiếp theo của công ty thì chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ những sản phẩm dịch vụ phù hợp với các điều kiện của sản xuất nông nghiệp", Tổng giám đốc Thọ khẳng định.

Kết nối niềm tin giữa NH và DN Cùng nỗ lực của NH trong việc tìm kiếm khách hàng tốt để đẩy mạnh cho vay, nhiều chương trình kết nối NH-DN cũng được đồng loạt triển khai, nhân rộng tại nhiều địa phương. Giải pháp này nhằm tìm ra tiếng nói chung giữa NH và DN, từ đó hiểu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn và hình thành một quan hệ tín dụng được xây dựng trên cơ sở mức độ tín nhiệm, cho vay không cần tài sản thế chấp.

Theo NHNN chi nhánh TP Hà Nội, đến cuối tháng 8, đã có 23 NH trên địa bàn TP đăng ký tham gia chương trình với hạn mức cam kết hơn 17,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh lãi suất ký kết hơn 3.500 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng. Cấp tín dụng mới ký kết hơn 8.700 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.600 tỷ đồng. Còn tại Thanh Hóa, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, kết quả đợt 1 triển khai chương trình này đã có bảy NH trên địa bàn ký hợp đồng tín dụng ưu đãi cho 13 DN với tổng nguồn vốn ký kết gần 770 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn 7-8%/năm, trung dài hạn 11,5%/năm.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc cho vay tín chấp hay cho vay không có tài sản bảo đảm từng được các NH triển khai lâu nay.

Song, trong hai năm trở lại đây rất nhiều NH đã ngừng hoặc hạn chế cho vay tín chấp, chỉ cấp vốn cho các DN tốt trong khi các DN này lại ít có nhu cầu vay vốn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, niềm tin của DN với thị trường, niềm tin của NH với DN giảm sút đã khiến cho việc cho vay tín chấp nói riêng và việc mở rộng tín dụng của NH nói chung bị hạn chế rất nhiều.

"Chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế cho nên hơn ai hết DN phải là lực lượng đi đầu. NH hết sức ủng hộ. NH không thiếu tiền, nhưng làm thế nào để NH tin tưởng cho vay mới là quan trọng" - Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng chia sẻ như vậy trước những ý kiến của nhiều DN địa phương đề nghị ngành NH đẩy mạnh cho vay tín chấp.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nhiều DN khi đi vay vốn có đề án rất "hoành tráng", nhưng khi triển khai thì không dễ thực hiện được. Thậm chí, không thiếu những DN vẽ ra dự án đẹp, thuê cả công ty thiết kế dự án, nhưng khi NH thẩm định lại, thì thấy dự án không khả thi cho nên không thể duyệt cho vay vốn. Như vậy, không có nghĩa là NH gây khó khăn cho DN mà do DN không đủ điều kiện vay.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cũng cho rằng, trong thời điểm khó khăn, khả năng kinh doanh hiệu quả để trả nợ sẽ hạn chế hơn. Nợ quá hạn đang tăng kéo theo khả năng giảm sút về chất lượng tài sản thế chấp cũng như mức độ tín nhiệm của NH với DN. Khả năng chọn lựa khách hàng để có điều kiện tín chấp cũng không nhiều. Do vậy, nếu không chặt chẽ, đích cuối cùng là không thu được nợ hoặc khả năng trả nợ của DN không còn thì chắc chắn nợ xấu sẽ tăng rất nhanh, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm và khả năng đổ vỡ là có thể.

"Kích" dòng vốn chảy đúng đích ảnh 1

VietinBank hiện vẫn thực hiện cho vay DN không nhất thiết phải có tài sản thế chấp. NH sẽ dựa trên cơ sở hiệu quả thực tế của dự án cũng như các chương trình đầu tư, khả năng quản lý dòng tiền của DN và sự tham gia quản lý của NH đối với hoạt động kinh doanh của DN. Sau khi xem xét những yếu tố này, NH có cơ sở để xem xét cho vay, hỗ trợ trên cơ sở tín nhiệm của DN để đáp ứng tốt nhất nhu cầu về vốn và dịch vụ NH, giúp DN có thể thực hiện thành công các định hướng chiến lược đã đề ra.

LÊ ĐỨC THỌ Tổng Giám đốc VietinBank

"Kích" dòng vốn chảy đúng đích ảnh 2

Cho vay tín chấp gặp rủi ro sẽ ảnh hưởng ngay tới lợi nhuận, vì vậy NH sẽ không muốn đẩy mạnh cho vay theo loại hình này trong bối cảnh nợ xấu đang cao như hiện nay. Và nếu Chính phủ, NHNN thật sự muốn giải quyết khó khăn cho DN, muốn cho DN vay vốn không cần tài sản thế chấp thì cần có giải pháp để các quỹ bảo lãnh DN hoạt động tốt, trở thành sự bảo đảm với NH để DN có thể vay vốn.

TS CẤN VĂN LỰC Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV