Không để cá tra “mắc cạn”

NDO -

Cá tra Việt Nam đã có mặt ở hơn 140 thị trường ở nước ngoài, nhưng lại chưa thực sự chinh phục được thị trường trong nước, đặc biệt ở miền bắc. Vì vậy, giải pháp đưa cá tra đến gần hơn với người tiêu dùng nội địa đang được đẩy mạnh triển khai, khi dịch Covid-19 khiến xuất khẩu gặp khó.

Doanh nghiệp cá tra tìm hướng quay về thị trường nội địa.
Doanh nghiệp cá tra tìm hướng quay về thị trường nội địa.

Bù đắp từ thị trường nội địa

Chiếm doanh thu lớn trong kim ngạch xuất khẩu (XK) của toàn ngành cá tra, Công ty CP Vĩnh Hoàn được đánh giá là một trong những “đại gia” trên thị trường XK. Mới đây, doanh nghiệp này đã quyết tâm quay lại thị trường trong nước bằng cách giới thiệu đến người tiêu dùng nội địa gần 20 sản phẩm chế biến từ cá tra và basa như: basa tẩm bột, chả lụa, sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ tẩm gia vị... Đáng chú ý, đây đều là các sản phẩm đạt chuẩn XK. 

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biets, hiện bình quân mỗi năm công ty sản xuất chế biến hơn 300 nghìn tấn cá tra và đã XK sản phẩm đến gần 40 nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, người tiêu dùng Việt Nam còn chưa có nhiều thuận lợi trong tiếp cận, hưởng lợi từ những sản phẩm cá tra cao cấp. 

Thống kê từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho thấy, hiện sản lượng cá tra đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm và 95% dành cho XK. Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về XK cá tra, nhưng dịch Covid-19 đang khiến cá tra của Việt Nam gặp khó. Theo Tổng cục Hải quan, XK cá tra trong tháng 9 tiếp đà giảm 14% với doanh số đạt 135 triệu USD, đưa kết quả XK lũy kế chín tháng đầu năm giảm 28%, đạt khoảng một tỷ USD. Dịch bùng phát trên toàn thế giới khiến nhu cầu cá tra sụt giảm mạnh tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN…

Trong khi đó, chỉ cần thị trường nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho XK đang khó khăn hiện nay. Theo ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt  cho biết, trước đây khi XK thuận lợi, những sản phẩm cá tra chế biến đạt tiêu chuẩn XK EU không có đủ hàng để bán. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên XK bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp coi thị trường trong nước là một trong những thị trường thay thế. Song, nếu người tiêu dùng miền nam ít nhiều quen sử dụng các thực phẩm chế biến từ cá tra thì ngược lại, người tiêu dùng ở thị trường miền bắc lại chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng cũng như chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm từ cá tra. 

Nêu ra một loạt vấn đề khó khăn về việc cá tra gặp khó trong tiêu thụ tại thị trường nội địa, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, trước hết phải kể đến tâm lý của doanh nghiệp chuộng XK vì bán được lượng lớn. Trong khi đó, làm hàng nội địa khó khăn hơn rất nhiều khi khá lặt vặt, doanh nghiệp phải lo từ chế biến, chào hàng, thiết lập hệ thống phân phối… Chưa kể, người miền bắc có thói quen sử dụng sản phẩm cá tươi sống, còn sản phẩm cá tra trong quá trình vận chuyển phải bảo quản đông lạnh, khiến nhiều người cho rằng sản phẩm không còn ngon ngọt từ đồ tươi sống.

Quyết đưa cá tra lên bàn ăn người tiêu dùng nội địa

Để cá tra tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng miền Bắc, lần đầu tiên, Tuần hàng cá tra/ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội năm 2020 đã được Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) trong đầu tháng 10. Điểm đặc biệt là tại đây, người tiêu dùng đã được thưởng thức món ăn được các đầu bếp nổi tiếng chế biến từ nguyên liệu là cá tra/basa; và được tặng cẩm nang 50 món ăn được chế biến từ cá tra/ba sa. Từ đó, kích cầu tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cũng đang tích cực sản xuất riêng sản phẩm từ cá tra cho thị trường nội địa. Đơn cử, Tập đoàn Nam Việt thường xuyên tổ chức các chương trình hội chợ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu; gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu với thị trường trong nước. Tổ chức gặp gỡ, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội và thị trường phía Bắc. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với nhà phân phối tại thị trường phía Bắc, hỗ trợ giá cả cho các doanh nghiệp để thâm nhập thị trường. Tấn công và mở rộng các kênh bán hàng nội địa như: bếp ăn công nghiệp, siêu thị bán lẻ…  Mở rộng và phát triển thêm phân xưởng sản xuất hàng giá trị gia tăng như cả chá viên, phi lê tẩm bột… vì đây là những mặt hàng nhận được những phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng, có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Hoặc, Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt đã tập trung đầu tư cho các sản phẩm như cá phi lê, cá cắt khúc, cá nguyên con, chả viên, chả tẩm bột, chả thì là… đạt tiêu chuẩn XK đi EU để phân phối tới các bếp ăn của trường học, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, các hệ thống bán lẻ của các siêu thị và hệ thống thương mại điện tử tại Hà Nội. Các sản phẩm đều được giảm độ ngọt và cay để phù hợp với khẩu vị ăn uống của người dân miền bắc.

Thực tế, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân chính là thị trường đầy triển vọng cho các sản phẩm cá tra nếu biết cách tiếp cận phù hợp. Việc chú trọng, thúc đẩy kênh tiêu thụ nội địa là cách đi đúng hướng, giúp giảm bớt khó khăn cho hoạt động XK khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp.