Hoa Tết vắng thương lái, người dân nỗ lực vượt khó

NDO -

Các vùng trồng hoa Tết tại Đà Nẵng năm nay đã giảm số lượng hoa rất nhiều. Tuy nhiên, người nông dân vẫn còn lo lắng bên cạnh tình hình dịch bệnh thì số thương lái đến hỏi mua rất ít, trong khi Tết đang đến gần.

Các nhà vườn đang ngắt nụ hoa cúc.
Các nhà vườn đang ngắt nụ hoa cúc.

Làng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, Hòa Vang) những ngày này, các nhà vườn đang tất bật hái nụ cúc để bông chính phát triển, chăm chậu hoa, tưới nước… cho kịp hoa nở vào dịp Tết. Tổ hợp tác hoa Dương Sơn có diện tích 4,5 ha, với 23 hộ trồng. Trong đó, có 1,5ha làm hoa công nghệ cao, 19 hộ làm hoa cúc Tết, cúc chậu hằng năm.

So mọi năm, chất lượng hoa năm nay không được như ý, do mưa bão kéo dài, thời tiết trở lạnh, người dân không dám thúc phân nhiều sẽ gây thối cây. Vì vậy, hoa phát triển không cao. Cùng tình hình dịch bệnh, các hộ cũng không trồng nhiều do sợ người dân khó khăn vì ảnh hưởng dịch nên sẽ giảm thị trường mua. Nếu năm ngoái, riêng cúc thì cả làng hoa đã 20 nghìn chậu, đến năm nay chỉ còn 15 nghìn chậu cúc các loại.

Cô Nguyễn Thị Thôi năm nay chỉ trồng khoảng 500-600 chậu cúc, giảm gần một nửa so năm ngoái. Lứa hoa của cô cũng không lớn như trước. Cô Thôi cho hay, vì để trồng đúng thời vụ hoa nở nên cũng chấp nhận thời tiết, nhưng năm nay mưa nhiều hơn, cây úng nên không thể bón phân sợ cây chết, nên cây hoa cũng nhỏ hơn. Đến giờ cô vẫn chưa có ai hỏi đặt mua hoa.

A2_4-1611020141118.jpg
 Chăm hoa nở đúng dịp Tết.

Mọi năm, tầm này thương lái đã đến đặt hàng gần hết các chậu cúc, nhưng năm nay lại thưa thớt. Chủ nhiệm Tổ hợp tác hoa Dương Sơn Lý Phước Dạng cho hay: Cả làng hoa mới được bốn hộ có thương lái ghé đến. Đến sát Tết thương lái vẫn không tới mua thì tự các hộ nông dân phải tự tìm “bến đỗ” cho mình, như: Mang hoa ra chợ, tìm các khu dân cư đông đúc để bán. Thời gian và sức tiêu thụ sẽ không nhanh, nhưng lại có thu nhập.

Bản thân chú Dạng năm nay cũng chỉ trồng 800 chậu cúc, thay vì khoảng 1.200 như năm ngoái, từ tháng 12 âm lịch đã được các thương lái đặt mua gần hết với giá dao động từ 250.000 đồng/cặp đến 2,5 triệu đồng/cặp, tùy loại. Còn tới hiện tại, vườn của cô chú cũng chưa ai đặt.

Chỉ vào hàng cúc tươi tốt, chú Phước Dạng tâm sự: “Tôi có một dãy cúc phát triển tốt nhưng nở không đúng Tết, nên gia đình xác định cắt cành bán dịp rằm tháng Giêng; bán 350.000 đồng/chậu thì ra Tết bán 50.000 đồng/chậu, coi như gỡ gạc lại chút vốn”.

Việc giảm số lượng hoa năm nay đang là tình trạng chung của những nhà vườn trên địa bàn thành phố. Nhiều gia đình không dám trồng số lượng lớn, thay vào đó trồng thêm các sản phẩm hoa chậu khác như: Hồng, hướng dương, đậu biếc… với giá chỉ từ 15.000 đồng, dễ tiêu thụ.

a3_2-1611020140630.jpg
 Ông Cao Tấn Ca chăm sóc hoa chậu.

Tại làng hoa Gò Giảng (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) chú Cao Tấn Ca đang trồng 1,5 sào các loại hoa bình như: Cúc đất, hướng dương, vạn thọ, thu hải đường, sống đời, thược dược lùn, tía tô Nhật… Các loại đều đang cho nụ và hứa hẹn sẽ nở đúng dịp Tết, kéo dài đến cả tháng sau.

Nông dân Cao Tấn Ca chia sẻ: Những bình này được bán ra thị trường với giá từ 15.000 đến 50.000 đồng tuỳ loại. Tuy trồng những loại này cho thu nhập không cao như cúc bình, nhưng với giá đó, người dân vẫn có thể mua được, hoa vẫn có thể chăm sóc để tiếp tục bán sau Tết và quanh năm.

Nhiều nhà vườn đầu tư trồng các loại hoa giấy, hoa thảm, hoa treo công nghệ cao, dạ yến thảo, dừa cạn… cũng phần nào ổn định được đầu ra do giá cả phù hợp, các nguồn hàng cũng cố định. Từ thực tế này, nhiều làng trồng hoa ở Đà Nẵng đã chủ động giảm số lượng các chậu cúc lớn tầm 20-30%.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Đà Nẵng Nguyễn Kim Dũng cho biết: “Trong mùa vụ Tết, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh để hoa nở đúng dịp và giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, sản xuất thêm các loại mới hơn, chậu nhỏ, ngắn ngày tập trung cho loại hoa treo phù hợp sở thích túi tiền của người tiêu dùng, dễ tiêu thụ, qua đó giảm bớt khó khăn cho người nông dân”.