Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới

NDO -

Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của bộ phận lớn người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Đường nông thôn mới ở xã Vĩnh Đồng (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân trên địa bàn.
Đường nông thôn mới ở xã Vĩnh Đồng (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của Nhân dân trên địa bàn.

Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo nền tảng vững chắc xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển.

Thực tế cho thấy, tỉnh Hoà Bình khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với rất nhiều khó khăn, trở ngại do điểm xuất phát của các xã thấp. Qua rà soát, đánh giá hiện trạng nông thôn tại 191 xã trên toàn tỉnh, so sánh với bộ tiêu chí NTM năm 2011, mới có hai xã đạt 10 tiêu chí, 124 xã dưới năm tiêu chí. Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá mới đạt 4,4 tiêu chí/xã. Các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí hết sức khó khăn, cần nguồn lực lớn, như: giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo... Thu nhập bình quân khu vực nông thôn mới đạt 8,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn tới 31,51%.

Đánh giá được khó khăn, thách thức và xác định rõ quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hoà Bình luôn sát sao lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình. Các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc với quyết tâm chính trị cao. Đặc biệt, chủ thể chính thực hiện chương trình là cộng đồng dân cư và dựa vào nội lực của Nhân dân nên mọi việc luôn được triển khai thực hiện công khai, dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ. Phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng NTM" đã được các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân tích cực hưởng ứng. Từng huyện, thành phố và các xã đã cụ thể hoá bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Thông qua các phong trào, mỗi địa phương luôn coi trọng nhân rộng các điển hình và những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo nhằm lan tỏa trên diện rộng.

Về xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn thấy, trên những con đường bê tông bằng phẳng, hai bên đường rợp sắc hoa... Bí thư Đảng ủy xã Phùng Thanh Sơn phấn khởi chia sẻ,  Nhuận Trạch là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Hiện, xã đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong 10 năm qua, toàn xã được đầu tư và huy động nguồn xã hội hóa gần 116 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, Nhân dân đóng góp gần 37%. Xã đã có trường học khang trang, sân vận động, nhà văn hóa, sân thể thao rộng rãi. Bà con năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Trong xã có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với các mô hình: nuôi bò sữa, trồng các loại rau, củ, quả an toàn… Trên địa bàn đã thu hút một số doanh nghiệp đến đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho lượng lao động khá lớn tại địa phương. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 44 triệu đồng...

Rời Nhuận Trạch, ngược về xóm Khang Đình, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) chứng kiến vùng quê đổi mới cả về đời sống, cảnh quan môi trường và ý thức tự giác, văn minh của người dân. Bởi thế, xã được công nhận là khu dân cư NTM kiểu mẫu Năm 2019. Trưởng xóm Nguyễn Văn Sao cho biết: Sự đồng thuận, đoàn kết của người dân là yếu tố quan trọng nhất giúp xóm triển khai mọi công việc đều thuận lợi, đạt kết quả cao. Điển hình là thực hiện chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu được các gia đình tích cực ủng hộ theo khả năng nội tại. Mỗi gia đình chủ động chỉnh trang nhà cửa, ăn ở gọn gàng, thoáng mát, cải tạo vườn tạp, cổng ngõ được xây dựng, sửa sang sạch đẹp, hài hòa với phong cảnh làng quê. Đặc biệt, người dân Khang Đình đã khẳng định vai trò chủ thể bằng việc tự nguyện đóng góp làm được gần 1.000 m đường điện chiếu sáng, đầu tư cụm truyền thanh, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao. Đồng thời, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, đến nay, toàn xóm có hơn 7 km đường bê tông, thu nhập bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Xác định XDNTM thành công, trước hết phải có sự nhận thức đúng đắn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Do vậy, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình đã sát sao chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tập trung cao và phải đặt lên hàng đầu đối với công tác tuyên truyền, vận động để giúp cán bộ, Nhân dân có nhận thức đúng về chương trình. Từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, theo đó đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng KTXH ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Toàn tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa, xây mới, cứng hóa trên 4.000 km đường trục xã, liên xã, trục thôn, xóm, đường ngõ xóm, bản và nội đồng, nâng tổng số km đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên hơn 6.110 km; xây mới, sửa chữa nâng cấp, kiên cố hóa được 788 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên 1.731km, từng bước đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu và phục vụ sản xuất. Đồng thời, trong tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa, xây mới 514 công trình trường học; trên 700 công trình cơ sở vật chất văn hóa; gần 60 công trình hạ tầng thương mại nông thôn; 80 công trình trạm y tế... 

Từ xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thúc đẩy cơ cấu nội bộ của ngành chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Những năm qua, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn, các huyện, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện trên 1.900 mô hình phát triển sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn..., với kinh phí hỗ trợ từ các nguồn vốn là 367 tỷ đồng; từ nguồn vốn Chương trình nông thôn mới đã hỗ trợ 32 dự án liên kết theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí 26.514 triệu đồng. Trong tỉnh bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá, điển hình như các vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây dược liệu, trồng mía, nhãn... Các sản phẩm nông sản chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi từng bước khẳng định được giá trị ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thực tế đã chứng minh, xây dựng NTM ở tỉnh Hoà Bình không thể thành công nếu không có sự chung sức, đồng lòng của người dân. Minh chứng thuyết phục là trong giai đoạn 2010 – 2019, toàn tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được 2.468,57 tỷ đồng, trong đó, đóng góp bằng tiền được 109,72 tỷ đồng; huy động hơn 2.409.000 ngày công lao động; các hộ gia đình đã hiến hơn 979.300 m2 đất; đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc… quy đổi bằng tiền được 2.306 tỷ đồng; vốn huy động từ các nguồn khác được 52,36 tỷ đồng.

Bắt tay thực hiện Chương trình từ điểm xuất phát thấp, tuy nhiên, với sự đồng lòng, vượt khó của cả hệ thống chính trị, đến hết năm 2019, toàn tỉnh Hoà Bình đã có 88/191 xã đạt chuẩn NTM, bằng 46% tổng số xã. Bình quân đạt 15,1 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,6  tiêu chí/xã so với năm 2011; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Đáng phấn khởi là nhiều tiêu chí khó do cần nguồn lực lớn đã được nhiều xã nỗ lực đạt được, như: đã có 112/191 xã đạt tiêu chí về giao thông; 178 xã đạt tiêu chí thuỷ lợi; 100% xã đạt tiêu chí về điện; 185 xã đạt tiêu chí hạ tầng thương mại; 97 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 128 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất… 

Sau khi thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, tính đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 54/131 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí XDNTM; bình quân đạt 15,03 tiêu chí/xã; có 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, năm 2018, thành phố Hòa Bình là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt kế hoạch trước hai năm. Năm 2019, huyện Lương Sơn về đích NTM, vượt kế hoạch trước một  năm. Trong năm 2020, huyện Lạc Thủy phấn đấu về đích xây dựng NTM.

Nhằm giữ vững và phát huy thành quả đạt được của Chương trình xây dựng NTM, trong giai đoạn 2020 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu. Hàng năm, XDNTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi địa phương và các sở, ban, ngành. Xây dựng kế hoạch, lộ trình tiếp tục thực hiện xã đạt chuẩn NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu. Duy trì, nâng cao chất lượng đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, xã đạt chuẩn NTM. Xây dựng lộ trình phù hợp thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu... Tập trung chỉ đạo phát triển KTXH địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị...