Giá xuống thấp nhất 12 năm, gạo tìm cơ hội mới

NDO -

NDĐT - Tình hình xuất khẩu (XK) gạo của nước ta đang có nhiều khó khăn khi kim ngạch giảm mạnh, giá gạo ở mức thấp nhất trong 12 năm qua. Tìm kiếm cơ hội từ các thị trường mới là giải pháp quan trọng giúp gạo Việt Nam vượt qua giai đoạn đầy vất vả này.

Tìm cơ hội XK gạo từ các thị trường mới.
Tìm cơ hội XK gạo từ các thị trường mới.

Giảm mạnh về giá trị
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu (XK) chín tháng đầu năm ước đạt 5,2 triệu tấn, đạt trị giá 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm từ mức 325-330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn. Đây là mức giá mức thấp trong gần 12 năm qua.

Đáng chú ý, bức tranh XK gạo đang ghi nhận sự sụt giảm chóng mặt cả về lượng và giá XK sang thị trường Trung Quốc, cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam. Cụ thể, XK gạo sang Trung Quốc tám tháng qua đạt 347.520 tấn, tương đương 173,74 triệu USD, giá 499,9 USD/tấn, lần lượt giảm 67,8%, 67,2% và 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Khẳng định năm 2019, XK gạo đang gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến sự sụt giảm rất lớn, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) phân tích, nguyên nhân lớn nhất là do Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta tăng cường siết chặt về kiểm dịch và bảo vệ an toàn thực phẩm. Trung Quốc hiện cũng có lượng dư tồn kho rất lớn và họ đẩy mạnh xả kho, vừa đáp ứng nguồn cung trong nước, vừa cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam trên thị trường XK. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như triển khai đầu tư nông nghiệp sang Campuchia và Myanmar nhằm giảm nhu cầu nhập khẩu. Nếu như trước đây, họ là nước nhập khẩu lớn thì hiện nay đã trở thành nhà XK gạo lớn thứ năm thế giới.

Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu một lượng gạo nhất định nhưng với những sản phẩm này, ngoài nâng cao yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2018, Ủy ban Thuế quan Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành Thông báo số 33/2018 về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gạo và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2018. Một số dòng sản phẩm trong bộ mã HS 100630 là những dòng sản phẩm bị điều chỉnh thuế nhập khẩu lên đến 50% và gạo nếp chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ động thái điều chỉnh thuế này.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm, ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường truyền thống khác của Việt Nam như Indonesia, Bangladesh đều giảm nhập khẩu, gây khó khăn cho gạo Việt Nam.

Tìm hướng đi từ các thị trường mới
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, gạo là mặt hàng XK truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho XK gạo trong thời gian tới là cần đẩy mạnh XK sang các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường ta có hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản, Mỹ, EU… hoặc những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Nhật Bản, Philippines…

Đơn cử, cơ hội tiếp cận thị trường gạo Singapore sẽ mở ra với các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, các quốc gia trong cùng khu vực Đông Nam Á, có lợi thế giao thương cùng với Singapore. Ngoài ra, Nhật Bản thường xuyên nhập khẩu 50% gạo từ Mỹ đang xem xét chuyển hướng sang nhập khẩu gạo từ các quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý, một số nhà nhập khẩu của Mỹ đã thêm gạo vào danh mục hàng hóa mua từ Việt Nam... Từ nửa đầu năm nay, Vietway - một công ty chuyên bán hàng trên Amazon online, bắt đầu mua gạo Hoa Nắng đóng gói nhỏ của Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ. Ông Erik Frankel - Tổng giám đốc Vietway – cho rằng, đây cũng là cách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam XK và phát triển thương hiệu gạo tại thị trường Mỹ. Theo các chuyên gia, để tăng được lượng gạo Việt vào Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý hơn những quy định về hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, ước tính phí hải quan, thực hiện đầy đủ các quy định của hải quan về thông quan, thuế cũng như các vấn đề liên quan đến logistics.

Với EU, dù nhu cầu gạo không quá cao nhưng đây là thị trường sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm chất lượng và đặc thù như gạo hữu cơ. Hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời, một trong những doanh nghiệp XK gạo hàng đầu Việt Nam đang đẩy mạnh xúc tiến với các bạn hàng khu vực này nhằm tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa thị trường cho gạo Việt Nam.

Song song với những nỗ lực của các doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho rằng, điều cốt yếu để giữ vững vị thế trên thị trường là chất lượng hạt gạo. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng chất lượng gạo không đồng đều, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thương lái trộn các loại gạo có hình dáng tương tự với nhau… rồi XK. Đây là điều các doanh nghiệp không thể kiểm soát hết nên cần có sự vào cuộc tích cực của các bộ, sở, phòng nông nghiệp, địa phương để kiểm soát dư lượng bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, giúp hạt gạo Việt Nam an toàn.

“Trung Quốc nâng cao kiểm soát về mặt chất lượng sẽ gây khó cho gạo Việt Nam trước mắt, nhưng về lâu dài, điều này buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với cuộc chơi chung, khi đây là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở chiều ngược lại, khi doanh nghiêp thay đổi, chúng ta sẽ có thêm cơ hội với các thị trường khác”, bà Bùi Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.