Xuất khẩu sang Trung Quốc:

Bỏ tư duy tiểu ngạch để lớn

NDO -

NDĐT - Dịch bệnh được kiểm soát là cơ hội để hàng hóa Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Song, cơ hội sẽ trở nên bền vững nếu doanh nghiệp xóa bỏ tư duy cho rằng đây là thị trường dễ tính.

Tôm Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Trung Quốc.
Tôm Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc tăng mua hàng Việt

Tháng 4 là tháng đầu tiên trong năm 2020 Trung Quốc tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, sau khi giảm liên tục trong ba tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường này đạt 39,2 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo nhu cầu mua tôm của Trung Quốc trong quý 2 sẽ phục hồi do nước này dần kiểm soát được dịch Covid-19. Việc cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam góp phần giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nguồn cung đối thủ khác đang phải chống chọi với Covid-19 và chưa thể quay lại sản xuất bình thường như Ấn Độ, Ecuador.

Ông Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, nông lâm thủy sản nói chung chính là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, kể cả trong mùa dịch bởi nhu cầu với các sản phẩm này vẫn ở mức cao. Đặc biệt, việc Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh là cơ hội rất lớn cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào quốc gia này, gia tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung trong bối cảnh nhiều thị trường lớn của nước ta vẫn loay hoay chống dịch.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc có kết quả tích cực, do đó, nhu cầu hàng hóa đang dần tăng trở lại.

Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 35 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,7 tỷ USD, tăng cao ở mức 22,1% so với cùng kỳ. Con số kim ngạch xuất khẩu này khiến thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc giảm xuống 9,68 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số hơn 12 tỷ USD của bốn tháng đầu năm 2019 (giảm gần 2,7 tỷ USD).

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép mở lại các cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng (Lạng Sơn); cửa khẩu phụ Bắc Phong Sinh và lối mở Ka Long (Quảng Ninh).

Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng cũng cho phép UBND các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tối đa công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 để chủ động mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn theo các nguyên tắc: Các cửa khẩu phụ, lối mở đã đáp ứng đủ quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21-11-2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Việc mở lại các cửa khẩu này đã, đang và sẽ giúp thương mại Việt Nam và Trung Quốc khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Xác định tiềm năng của thị trường này khi dịch bệnh được kiểm soát, các sự kiện xúc tiến thương mại đang liên tục được tổ chức theo hình thức kết nối trực tuyến. Cụ thể, ngày 21-4 vừa qua, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây). Tiếp đến ngày 26-5, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) 2020 nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Tại đây, đại diện phía Trung Quốc cũng thừa nhận nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long, cà phê, hạt điều, thủy sản được người Trung Quốc ưa chuộng và có nhiều triển vọng tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

Hướng tới xuất khẩu bền vững

Mặc dù thị trường Trung Quốc đang gia tăng nhu cầu hàng Việt, song các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên khuyến nghị việc đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch. Bởi Trung Quốc không phải là thị trường dễ tính như nhiều người quan niệm và đang ngày càng coi trọng chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp vẫn giữ thói quen xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường này, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) phân tích, từ năm 2008, khi Trung Quốc có những chính sách ưu đãi với trao đổi cư dân biên giới, đặc biệt là chính sách cho cư dân biên giới được phép mua hàng từ hai nước có chung đường biên giới với giá trị 8.000 nhân dân tệ/người/ngày, rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã lợi dụng chính sách này xé lẻ các mặt hàng nhập khẩu. Mặc dù, hai nước tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và có thuế quan 0%, nhưng khi nhập khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải đóng các khoản thuế giá trị gia tăng 10-13% tùy từng loại mặt hàng. Nếu họ nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới thì sẽ được miễn các loại thuế này. Đây chính là một trong những lý do rất nhiều thương nhân Trung Quốc đều muốn hướng đến nhập khẩu theo hình thức tiểu ngạch.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu qua đường cư dân biên giới dẫn đến việc kiểm soát chất lượng không được tốt. Ngoài ra, còn nảy sinh những biến tướng khác, như tận dụng những mặt hàng chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc nhưng trao đổi cư dân biên giới vẫn có thể đi được. “Điều này dẫn tới tình trạng doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm trao đổi xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch vẫn “không chịu lớn”. Tức là không tổ chức lại sản xuất, không thực hiện công tác quản lý chất lượng một cách theo đúng quy định của nước nhập khẩu, dẫn đến bị phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch”, ông Tô Ngọc Sơn chỉ rõ.

Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà quản lý, địa phương được khuyến cáo cần thay đổi cách thức tiếp cận đối với thị trường này. Đó là Trung Quốc chưa bao giờ và không bao giờ là một thị trường dễ tính. Từ đó, thay đổi phương thức xuất khẩu theo hình thức chính ngạch. Đồng thời sản xuất các mặt hàng bảo đảm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường. Có như vậy, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc mới bền vững và chắc chắn hơn.