Ăn Tết mùa Covid

NDO -

Dịch Covid-19 bùng phát vào giáp Tết khiến cái Tết năm nay bớt sôi động, ồn ã. Nhưng dường như đây cũng là dịp để những giá trị xưa cũ “lên ngôi”, hòa cùng với những xu hướng mới.

Tết Covid là dịp quây quần, dạy con trẻ về những trải nghiệm Tết cổ truyền.
Tết Covid là dịp quây quần, dạy con trẻ về những trải nghiệm Tết cổ truyền.

Tìm về các giá trị cũ

“Tết với một người phụ nữ hoài niệm những giá trị truyền thống như tôi là phải cắm thược dược, tự chuẩn bị đồ ăn, xông nhà bằng trầm hương và tẩy trần bằng nước lá mùi già. Tuy nhiên, những năm trước, do công việc bận rộn nên tôi không có thời gian để thực hiện hết những sở thích này. Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào dịp Tết, có buồn thật, nhưng xác định bình tĩnh sống chung với dịch một cách an toàn, tôi coi đây là dịp để tìm lại những giá trị cũ”, chị Lê Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. 

Vậy nên, từ 23 tháng Chạp, chị Hạnh đã cùng chồng và các con háo hức chuẩn bị Tết. Tết mùa Covid nhưng không thể thiếu bánh chưng, hành muối, chị chọn mua sắm tất cả nguyên liệu qua mạng để vừa tiện lợi, vừa an toàn. Rồi cả nhà quây quần bóc hành, cuốn nem, rửa lá, thái thịt, gói bánh, nổi lửa… “Con trai tôi lần đầu được gói bánh cùng mẹ, nổi lửa cùng bố thì rất vui, liên tục reo hò. Cậu còn hào hứng khi lần đầu được thấy chiếc bánh chưng bé xíu mẹ gói riêng cho mình. Có lẽ Tết cổ truyền mùa Covid là trải nghiệm cậu bé sẽ không thể quên”, chị Hạnh vui vẻ khoe.

Xong những công việc cho gia đình, chiều cuối năm, chị thong dong đạp xe về vùng hoa ven đô, tự tay chọn cho mình một bó thược dược đủ sắc màu, violet tím và bó mùi già để chuẩn bị cho buổi chiều Tất niên. Khi hương mùi già ngọt ngào bao trọn căn bếp nhỏ cũng là lúc những khó khăn của năm cũ được gột rửa tinh tươm. Gói trọn những trải nghiệm Tết xưa qua những thức quà giản đơn, bình dị, với chị, chỉ thế thôi là cái Tết đã trọn vẹn và ấm cúng vô cùng. Chị chia sẻ: “Với tất cả mọi người, Tết Covid là cái Tết quá đặc biệt. Nhưng điều đặc biệt nhất với tôi chính là những trải nghiệm Tết xưa đã quá lâu không còn được tìm thấy. Trong những ngày tháng khó khăn, điều quan trọng là chọn cho mình cách đi qua nhẹ nhàng, ý nghĩa nhất”.

Cũng chọn cách cho con mình có những trải nghiệm Tết xưa thú vị nhất, anh Nguyễn Đức Chiến (Tây Mỗ) cùng bạn bè “đụng lợn”. Từ tháng 6, anh cùng bạn bè mua một con lợn nhỏ, gửi nuôi ở nhà một người bạn vùng ngoại thành, đến gần Tết cùng mổ thịt để chia nhau. Ba, bốn gia đình cùng quây quần lại, nổi lửa, mổ lợn rồi chế biến. Chẳng phải chen chúc chợ búa xô bồ, phần nguyên liệu được mua về từ các trang thương mại điện tử. Con lợn được mổ thịt, phần thì nấu cháo, phần để gói giò, phần gói bánh chưng, phần xiên nướng lên cho bọn trẻ thưởng thức ngay tại chỗ… Trẻ con vừa được quây quần vui chơi, vừa được biết thế nào là cách làm bánh chưng, giò lụa, giò xào nên rất thích thú. Người lớn cũng được trở lại cảm xúc của những ngày khó khăn trước đây. Chẳng cần phải đi du lịch Tết ở đâu xa, chỉ một ngày ở vùng ngoại thành cũng đủ để cho trẻ con có thật nhiều ký ức đẹp. Tết Covid là Tết sum vầy, là những trải nghiệm không thể nào quên.

“Nhớ lại những cái Tết xưa hồi còn thơ ấu mà thèm biết bao. Cái Tết lúc ấy là một ký ức sâu đậm và hạnh phúc trong đời. Thích nhất được mua quần áo mới, thức để được đón giao thừa - giờ khắc thiêng liêng bước sang một năm mới với từng câu chúc, từng lời mừng tuổi ông, bà, bố mẹ. Năm nay, tôi sẽ cho con mình có trọn vẹn những ký ức ấy”, anh Chiến chia sẻ.

Nở rộ kinh doanh qua mạng

Dịch Covid-19 trùng với dịp Tết Nguyên đán nên nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho người dân mua sắm an toàn. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu, thịt lợn… Tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh hàng qua thương mại điện tử để phòng ngừa tối đa rủi ro dịch bệnh.

Ăn Tết mùa Covid -0
 Mang Tết về nhà qua thương mại điện tử.

Ở các gian hàng thương mại trực tuyến như Lazada, Tiki, Shopee… người tiêu dùng có thể có trọn vẹn những trải nghiệm Tết xưa chỉ với một cú nhấp chuột “lá dong, gạo nếp” hay “bánh chưng, hành củ”… Hoặc, có thể mua sắm tất cả thực phẩm, đồ dùng đã được chế biến sẵn phục vụ cho Tết trên các ứng dụng này nếu quá bận rộn. 

Để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng dịp Tết, Tiki đã tăng ít nhất 30% lượng cung hàng hóa so với dịp Tết năm ngoái, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm khô, thức uống, sản phẩm dinh dưỡng, sữa, gia vị… Ở ngành hàng tươi sống, các sản phẩm tươi như trái cây, rau củ, thịt, hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, đến thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô… được kết hợp với các nhà bán lớn để trữ và bảo quản.

Cũng để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm của mùa mua sắm dịp Tết, Shopee vừa tăng cường thêm một kho hoàn tất đơn hàng thứ ba tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Đây là khu vực không bị cấm xe vào giờ cao điểm đáp ứng lưu lượng giao nhận hàng 24/24, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hoạt động hiệu quả hơn. Vị trí kho hàng này thuận tiện để chuyển hàng đến các tỉnh miền trung và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Nhu cầu mua hàng tăng cao từ cận đến sau Tết khiến một số bên thực hiện giao hàng xuyên Tết. Năm nay, Tiki, Shopee, Giao hàng Nhanh đã mở dịch vụ vận chuyển hàng hoá xuyên Tết, giao hàng từ 30 đến hết mùng 5 Tết ở các thành phố lớn (thông thường, các bên chỉ giao hàng đến 29 Tết, hoạt động trở lại vào ngày mùng 6). Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ người tiêu dùng có một cái Tết Covid đầu tiên an toàn và tiện lợi.