Xoay vần lo điện

Tăng trưởng điện thương phẩm năm tháng đầu năm 2020 chưa đến 2%, thấp hơn nhiều so mức quanh 10% của nhiều năm trước. Trước mắt, điều này giúp cho ngành điện có thể bảo đảm được việc cấp điện ổn định, nhưng về lâu dài việc thiếu nguồn cung vẫn là nguy cơ dễ thấy.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đang khẩn trương xây lắp trạm biến áp 220 kV Ninh Phước, phấn đấu đóng điện giai đoạn 1 vào ngày 28-6-2020 và giai đoạn 2 vào ngày 15-12-2020.Ảnh: NGỌC HÀ
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đang khẩn trương xây lắp trạm biến áp 220 kV Ninh Phước, phấn đấu đóng điện giai đoạn 1 vào ngày 28-6-2020 và giai đoạn 2 vào ngày 15-12-2020.Ảnh: NGỌC HÀ

Điện than: Gồng gánh lo sự cố

Trong tổng số 97,41 tỷ kWh điện được phát ra trong năm tháng đầu năm, nhiệt điện than đóng góp 58,09 tỷ kWh, tương đương gần 60% sản lượng điện của hệ thống. Sản lượng này cũng tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2019. Dù tiêu thụ điện tăng không đáng kể nhưng huy động điện chạy dầu vẫn tăng mạnh với 1,03 tỷ kWh nhiệt điện dầu được huy động trong năm tháng, tăng thêm 836 triệu kWh so cùng kỳ năm 2019.

Hệ thống vốn trông đợi vào thủy điện, nhưng do diễn biến thời tiết không thuận lợi, sản lượng phát ra từ các nhà máy thủy điện trong năm tháng qua chỉ đạt 15,72 tỷ kWh, giảm 33,77% so cùng kỳ năm 2019. Tua-bin khí cũng chỉ đạt 15,95 tỷ kWh, giảm 15,93%, do nguồn cung khí chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu.

Xoay vần lo điện ảnh 1
Lắp đặt máy biến áp nâng công suất trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân.

Theo kế hoạch, năm 2020, nhiệt điện than sẽ đóng góp 132 tỷ kWh, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước (đang được lên kế hoạch là 261,4 tỷ kWh). Tuy nhiên, một khi nhiệm vụ cấp điện được đặt chính vào nhiệt điện than, đồng nghĩa phải đối diện nguy cơ “sự cố xếp chồng”. Đó là khi thời tiết nắng nóng kéo dài, máy móc phải vận hành liên tục trong thời gian dài, việc làm mát máy không được như yêu cầu sẽ dẫn tới việc không chỉ hiệu suất phát điện không cao như thiết kế, mà còn phải dừng vận hành, tức là có nguy cơ giảm mạnh nguồn cung.

Trong khi nguồn cung hiện tại ở vào ngưỡng không dư dả dự phòng thì hàng loạt các dự án điện lớn đã được lên kế hoạch trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đều bị chậm tiến độ hoặc khó triển khai với các quy định hiện hành.

Đơn cử các nguồn nhiệt điện than miền nam dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2018-2021 như Long Phú I, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Long Phú III, Nhiệt điện Ô Môn III, IV và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so quy hoạch do chưa thể xác định chính xác thời điểm khí từ Lô B và mỏ Cá Voi Xanh cập bờ.

Một loạt các dự án thủy điện mở rộng của Hòa Bình, Trị An, Ialy cũng bị chậm tiến độ vì chờ đợi ý kiến thống nhất của các cơ quan liên quan. Rõ ràng, tình trạng ì ạch trong đầu tư các dự án nguồn điện lớn nói trên lại trái ngược hoàn toàn với không khí đẩy mạnh triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời.

Năng lượng sạch: Đường còn dài

Mặc dù sản lượng đóng góp của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) trong năm tháng đầu năm đã đạt 4,59 tỷ kWh, tăng 11 lần so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, vào ngày 15-6-2020, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo, tính đến nay, tổng công suất điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch là khoảng 10.300 MW, trong đó có khoảng 5.000 MW đã đi vào vận hành. Đối với điện gió, Chính phủ vừa đồng ý chủ trương bổ sung một số dự án vào quy hoạch như đề nghị của Bộ Công thương. Trước đó, Bộ này đã đề nghị bổ sung khoảng 7.000 MW điện gió mới, bên cạnh 4.800 MW điện gió được bổ sung trước đó không lâu.

Không chỉ có điện gió và điện mặt trời được bổ sung ồ ạt với quy mô khủng trong hai năm trở lại đây, Quy hoạch điện còn được bổ sung nhiều dự án điện khí LNG. Ước tính, chỉ hai năm qua, khối lượng nguồn điện từ mặt trời, gió và LNG được bổ sung mới vào Quy hoạch đã lên tới khoảng 25.000 MW (chưa kể 7.000 MW điện gió mà Bộ Công thương đề nghị mới đây nhưng chưa có quyết định cụ thể). Con số này vẫn còn thấp so với đề nghị được bổ sung vào Quy hoạch điện 25.000 MW điện mặt trời, 45.000 MW điện gió và cỡ 40.000 MW điện khí LNG của các địa phương.

Dẫu vậy, các dự án điện mặt trời, điện gió và LNG này cũng không dễ trở thành hiện thực. Đơn cử như điện mặt trời, ngoài các dự án đang được triển khai dở dang thì từ năm 2021 sẽ tiến hành đấu thầu chọn nhà phát triển dự án. Còn điện gió đang gặp thách thức về việc giá mua điện nên cũng chưa biết sẽ đi theo hướng nào sau thời điểm ngày 31-10-2021.

Ở các dự án điện khí LNG, với quy mô vốn đầu tư lớn hàng tỷ USD, nhưng việc Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố không cấp bất kỳ bảo lãnh nào cho một số dự án gần đây, thì việc triển khai thu xếp vốn cũng là thách thức không nhỏ với nhà đầu tư.

Với loại hình này, giá bán điện cũng chưa được tính toán cụ thể để so sánh với giá điện bán ra tới tay người tiêu dùng. Chưa kể, nếu được chấp nhận về giá, còn cần từ 7 đến 10 năm nữa mới có nhà máy điện khí LNG vận hành.

Điều cần nói thêm là khi kiến nghị bổ sung quy mô lớn các dự án nguồn điện vào quy hoạch, câu chuyện lưới truyền tải tuy được nhắc tới như điều kiện cần nhưng đã không được các cơ quan hữu trách thúc đẩy nhanh chóng để đồng bộ giải tỏa với lượng công suất từ các nhà máy mới phát sinh trong quy hoạch.

Nói về thực trạng đổ bộ lượng lớn các dự án điện trong hai năm vừa qua, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, khi bổ sung lượng lớn dự án và công suất, cần đánh giá lại toàn bộ Quy hoạch điện hiện có, chứ không phải làm theo nhu cầu của nhà đầu tư trong điều kiện Nhà nước đã đưa giá mua điện mặt trời, điện gió lên cao.

“Không thể làm theo cách, nhà đầu tư này, tỉnh này xin, cơ quan chức năng chấp thuận bổ sung quy hoạch; tỉnh khác, nhà đầu tư khác cũng xin, lại bổ sung tiếp. Quy hoạch ngành điện không thể làm theo động lực của nhà đầu tư, bởi như vậy sẽ “băm nát” quy hoạch và sau này không thể sửa được”, ông Cung lưu ý.

Kiến Giang

Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Hà