Xây dựng hạ tầng cho cơ giới hóa nông nghiệp

Kể từ khi có Nghị quyết 26 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh việc áp dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, muốn giải quyết “điểm nghẽn” về cơ giới hóa nông nghiệp, đòi hỏi phải có sự đồng bộ hóa các yếu tố thúc đẩy cơ giới hóa, trong đó xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải tạo đồng ruộng có ý nghĩa tiên quyết.

Thực hiện cơ giới hóa là một trong những bước quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Ðăng Khoa
Thực hiện cơ giới hóa là một trong những bước quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh: Ðăng Khoa

Những thành tựu bước đầu

Ngày 14-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/QÐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, thay thế các Quyết định 63 và Quyết định 65 trước đó với phạm vi hỗ trợ rộng hơn và đặc biệt là không bị ràng buộc bởi điều kiện 60% nội địa hóa đối với máy móc phục vụ nông nghiệp. Sự đổi mới trong chính sách đã góp phần khơi thông nguồn vốn cho nông dân vay mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho cơ giới hóa. Tính đến tháng 5-2019, doanh số cho vay trong lĩnh vực này đạt hơn 11.000 tỷ đồng từ vốn tín dụng Nhà nước; vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân hơn 5.000 tỷ đồng; ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được tăng lên rõ rệt, đến năm 2018, tổng công suất trên đồng ruộng khoảng hơn 11 triệu mã lực (HP), trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác. Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp một số khâu tăng nhanh, nhất là đối với sản xuất lúa. Trong vòng 5 năm, khâu làm đất tăng từ 88% lên 94%, một số vùng đạt 100% ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL); thu hoạch lúa tăng từ 35% lên 65% (vùng ÐBSCL đạt 82%); tuốt đập, xay xát lúa, gạo đạt 100%. Số lượng và chủng loại máy cũng có sự dịch chuyển phù hợp với quy mô đồng ruộng, số lượng máy kéo tăng 45,5%, trong đó, máy kéo cỡ lớn (≥ 35 mã lực) tăng 92,4%, máy kéo cỡ trung (18 - 35 mã lực) tăng 31,3% và máy kéo cỡ nhỏ (≤ 12 mã lực) tăng 53,5%; máy gặt đập liên hợp tăng 77,1%; máy sấy nông sản tăng 25,8%.

Tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản được thu hẹp. Tuy chưa có đánh giá cụ thể, nhưng bằng tính toán sơ bộ đối với sản xuất lúa ở hai khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và sử dụng máy sấy chủ động làm khô thóc vụ hè thu ở ÐBSCL đã giảm được 3 - 4% tổn thất. Với sản lượng 43 triệu tấn thóc/năm, mức giảm tổn thất đó tương đương 1,2 - 1,6 triệu tấn, khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Với vai trò “dẫn dắt” sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai tạo các cánh đồng lớn và khuyến khích hình thành quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa. Việc tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng lớn được triển khai mạnh mẽ ở các tỉnh trồng lúa ở ÐBSCL, vụ đông-xuân 2018 - 2019, diện tích “cánh đồng lớn” chiếm hơn 10% toàn vùng (170.000 ha/tổng diện tích xuống toàn vùng là hơn 1.600.000 ha). Nhiều cánh đồng lớn được san phẳng đồng ruộng bằng công nghệ laser, tạo điều kiện cho sản xuất cơ giới và tiết kiệm nước tưới.

Hiện, ở nước ta đã hình thành hàng trăm cơ sở dịch vụ, các hợp tác xã (HTX) về cơ giới ở nông thôn. Một số doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân (thông qua HTX) để tổ chức sản xuất và cung ứng nguyên liệu đầu vào (như: Công ty CP đường Quảng Ngãi, Lam Sơn trong ngành mía đường; Công ty CP XNK Ðồng Giao, Nafoods trong sản xuất rau, quả; Tập đoàn Lộc Trời trong sản xuất lúa gạo…). Việc sử dụng máy móc cơ khí cũng là hướng thu hút lao động trẻ có tay nghề ở nông thôn, hạn chế lao động tự do, làm thuê ở các đô thị.

Xây dựng hạ tầng cho cơ giới hóa nông nghiệp -0
Nông dân thu hoạch lúa vụ hè - thu 2019 trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Hồ Cầu (TTXVN) 

Ðiểm nghẽn

Nhìn toàn diện, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn thấp, thể hiện qua các điểm sau: trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam bình quân mới đạt 2,4 HP/ha canh tác (một số nước trong khu vực như: Thái-lan đạt 4 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha, Trung Quốc 8 HP/ha). Cơ giới hóa mới tập trung chủ yếu ở cây lúa và một số khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, khâu cấy bằng máy còn thấp. Thêm nữa, cơ giới hóa chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà-phê, thủy sản còn hạn chế.

Nguyên nhân trực tiếp là do quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Theo số liệu tổng điều tra về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tại thời điểm tháng 7-2016, cả nước có 8,5 triệu hộ nông nghiệp; số hộ có quy mô dưới 1 ha/hộ chiếm tỷ lệ 88,3%. Trong số 8,5 triệu hộ, quy mô dưới 0,2 ha/hộ chiếm tới gần 40% (tức là diện tích quá nhỏ). Chính vì vậy, các máy đưa vào sản xuất thường thiếu đồng bộ, công suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa đạt được như kỳ vọng.

Tiếp đến là tổ chức sản xuất hàng hóa còn bất cập. Sự liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết nông dân - DN với thị trường chưa được phát triển mạnh mẽ. Ðối tượng cho vay mua sắm máy móc phần lớn là hộ nông dân (chiếm 98%), trong khi đó, các DN có liên kết sản xuất với nông dân để sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ với những ưu đãi cần thiết (chỉ 2%). Việc chưa khuyến khích DN đầu tư máy móc thiết bị (có giá trị đầu tư cao) để tổ chức dịch vụ, hỗ trợ nông dân sản xuất nguyên liệu “đầu vào” là một hạn chế của chính sách.

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Muốn đạt mục tiêu về cơ giới hóa nông nghiệp, phải tiến hành một cách đồng bộ việc áp dụng các loại máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong hầu hết các công đoạn của sản xuất nông nghiệp. Ði đôi với đó là thúc đẩy cơ giới hóa thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo đồng ruộng; tổ chức sản xuất; phát triển công nghiệp phụ trợ; đào tạo nguồn nhân lực… Chỉ có như vậy, phương thức sản xuất mới được thay đổi một cách căn bản từ thủ công sang cơ giới với hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn.

Muốn hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải tạo đồng ruộng, cần giải được bài toán tích tụ tập trung đất đai, khắc phục rào cản trong chuyển quyền sử dụng đất và tích tụ đầu tư đất của DN hoặc hộ nông dân sản xuất lớn. Luật Ðất đai 2013 cần được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng bỏ hạn điền, giới hạn đối tượng giao dịch đất nông nghiệp. Mặt khác, cần có quy định pháp lý với các chế tài xử lý đủ mạnh về vấn đề đất bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, gắn chính sách với thu hút đầu tư DN.

Cần tiến hành tổ chức quy hoạch đồng ruộng một cách căn cơ theo từng đối tượng cây trồng, đi đôi với cải tạo, san phẳng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu cũng như phát triển giao thông nội đồng và giao thông nông thôn. Ứng dụng các công nghệ hiện đại (GPS), số hóa cơ sở dữ liệu đất đai.

Ðể có được các chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo đồng ruộng một cách mạnh mẽ hơn, nguồn lực đầu tư của xã hội cần được thúc đẩy hơn nữa. Làm sao để các DN, HTX và nông dân có thể bắt tay hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, ngân sách hỗ trợ trực tiếp một phần vào công tác quy hoạch cải tạo như một số tỉnh đã triển khai trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80 đến 100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt từ 5 đến 6 HP/ha.

Lê Ngọc Khanh

Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam

Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Nguyễn Văn Học