Về nơi “gió ngủ hè”

Hình ảnh những cột điện gió “ngủ hè”, những “cánh đồng” điện mặt trời (ĐMT) no nắng mà không chuyển được thành dòng điện… đã là chuyện thường ngày ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Đó là hệ quả tất yếu của việc đầu tư ồ ạt, không theo quy hoạch gây lãng phí nguồn lực. Nếu không sớm giải quyết nút thắt truyền tải điện, chiến lược trở thành thủ phủ của năng lượng tái tạo (NLTT) càng trở nên xa vời.

Với thực tế thi công hiện tại, khó lòng giải toả xong lưới truyền tải ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận vào năm 2020 như kế hoạch!
Với thực tế thi công hiện tại, khó lòng giải toả xong lưới truyền tải ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận vào năm 2020 như kế hoạch!

Nhà đầu tư ngồi trên lửa

Sau gần hai tháng kết thúc thời điểm mua điện từ các dự án ĐMT với mức giá ưu đãi theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi trở lại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Dọc hai bên con đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná dài hơn 100km nhiều dự án điện gió, ĐMT mới đang hình thành, hoạt động. Những dự án này đã tạo cho vùng đất khô khát sắc diện mới. Thế nhưng, đối ngược với điều kiện thời tiết lý tưởng cho phát điện NLTT là nỗi bức xúc, lo lắng của các nhà đầu tư (NĐT).

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Dự án ĐMT Hồ Bầu Ngứ than thở: Nếu được phát hết công suất, nhà máy có thể đạt hơn 50MW/ngày (khoảng 1 tỷ đồng), nhưng hiện bị cắt giảm nên chỉ được phát khoảng 17MW/ngày (khoảng 200 triệu đồng). Theo đại diện của Công ty Trường Thành, dự án ĐMT Hồ Bầu Ngứ nằm trong quy hoạch, và quá trình từ thương thảo đến ký kết hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực miền Nam, trong nội dung hợp đồng không có điều khoản nào liên quan đến việc cắt giảm công suất phát điện trong điều kiện bình thường và không có cảnh báo về quá tải công suất truyền tải...

Để xây dựng nhà máy ĐMT hơn 75 héc-ta này, NĐT phải bỏ ra hơn 1.400 tỷ đồng (vay ngân hàng 1.000 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng, nhưng thật trớ trêu nhà máy vừa mới đưa vào hoạt động đã bị cắt giảm 60% công suất phát điện. “Không biết tới đây lấy tiền đâu trả lãi vay ngân hàng (khoảng 300 triệu đồng/ngày), chưa kể nợ gốc. Điều lo nhất là nguy cơ phá sản, và hàng trăm lao động có nguy cơ mất việc là điều hiện diện sắp tới”, Giám đốc Công ty Trường Thành, Trần Huy Đức thở dài nói.

Việc nhiều dự án điện gió, ĐMT cùng lúc ồ ạt xây dựng tập trung ở một số khu vực và đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian ngắn để kịp hưởng giá ưu đãi (mặc dù đã được cảnh báo song nhiều dự án vẫn được phê duyệt) đã làm cho nhiều máy biến áp, trục đường dây khu vực này bị quá tải nghiêm trọng. Tình hình khó lòng được cải thiện khi mà Sở Công thương Ninh Thuận cho biết, chưa có dự án lưới điện nào kịp hoàn thành để gánh cho các trạm lưới 110kV trên địa bàn. Vậy mà, theo kế hoạch dự kiến đến cuối năm 2019 Ninh Thuận sẽ có thêm bốn dự án (công suất 140 MW) và năm 2020 có thêm 12 dự án (công suất 614 MW) tiếp tục được đưa vào vận hành thương mại.

“Việc giải phóng công suất khoảng 2.000 MW đến hết năm 2020 trên địa bàn đang hết sức khó khăn, cấp bách. Hơn nữa việc phải cắt giảm công suất phát của các nhà máy đã ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, hiệu quả kêu gọi đầu tư và tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương...”, ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận lo ngại.

Và kiến nghị từ địa phương

Vừa qua, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải (LĐTT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Riêng tỉnh Ninh Thuận, tiếp tục đầu tư xây dựng 10 công trình lưới điện 220 kV, 500 kV và bảy công trình lưới điện 110 kV... Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương Ninh Thuận, tiến độ một số công trình lưới điện 110 kV chưa đáp ứng yêu cầu do cơ chế phối hợp giữa các bên chưa tốt; một số công trình 500 kV khó khăn nguồn vốn, trong khi công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm... “Nếu trong thời gian tới không có chủ trương, giải pháp tháo gỡ quyết liệt thì sẽ không kịp tiến độ giải tỏa công suất”, đại diện Sở này khẳng định.

Tìm một lối mở cho tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Phát triển các dự án năng lượng - Trung Nam Group cho rằng, ngay bây giờ cần có phương án kêu gọi đầu tư xây dựng LĐTT và trạm biến áp để giải tỏa hết công suất của các dự án nhằm bảo đảm nguồn điện cho hệ thống, vừa tránh lãng phí.

Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ, để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT, ưu tiên xây dựng đồng bộ LĐTT, tích hợp các dự án điện gió, ĐMT vào hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, thì trước mắt các bộ, ngành cần chỉ đạo quyết liệt để triển khai đầu tư đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình truyền tải 500 kV, 220 kV, trên cơ sở bố trí vốn để đẩy nhanh thi công, hoàn thành các dự án truyền tải trước năm 2020 nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy ĐMT, điện gió. “Trong trường hợp khó khăn về tài chính, đề nghị Trung ương ủng hộ phương án xã hội hóa để DN thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời kết hợp đầu tư công trình hạ tầng truyền tải đường dây và trạm biến áp 500kV Thuận Nam... nhằm kịp thời giải tỏa hết công suất các dự án điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị.