Trục lợi trên lưng người bệnh

Những sai phạm như nâng khống, loạn giá thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập giai đoạn qua khiến cho gánh nặng chi phí ngày càng chất chồng lên người bệnh. Chính lỗ hổng về cơ chế, về công tác nhân sự đã tạo nên hệ lụy này.

Ứng dụng công nghệ cao từ xã hội hóa y tế vào điều trị giúp việc chữa bệnh hiệu quả hơn. Ảnh: MAI THANH
Ứng dụng công nghệ cao từ xã hội hóa y tế vào điều trị giúp việc chữa bệnh hiệu quả hơn. Ảnh: MAI THANH

Từ lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu

Một bệnh nhân ở Hà Nam mắc sỏi thận được các bác sĩ chỉ định mổ tán sỏi qua da tại một bệnh viện tuyến trên tại Hà Nội. Để được “mổ nhanh” (tức là không phải chờ vài tháng mà chỉ chờ khoảng một tuần- PV) theo thông lệ bệnh nhân buộc phải đóng số tiền là năm triệu đồng. Sau khi hoàn thiện thủ tục, chỉ chờ giờ mổ, bệnh nhân mới được biết, việc tán sỏi qua da trong mổ sỏi thận là hình thức mổ kỹ thuật cao, Bảo hiểm y tế (BHYT) không thanh toán đáng kể và tổng số tiền sau cuộc mổ và điều trị mà bệnh nhân phải đóng lên tới hơn 20 triệu đồng. Các hình thức mổ như tán sỏi ngoài cơ thể, mổ hở lấy sỏi chi phí thấp hơn rất nhiều song bệnh nhân không được tư vấn cụ thể để có lựa chọn phù hợp hơn với điều kiện gia đình.

Đáng buồn, câu chuyện trên không phải là cá biệt. Ở nhiều nơi, nhiều tuyến, người bệnh vẫn đang phải gánh chịu thêm những áp lực chi phí bởi các cơ sở y tế chưa thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa. Như báo cáo tại kỳ họp báo quý III-2020 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong quá trình kiểm tra, rà soát việc sử dụng trang thiết bị y tế tại các tỉnh, thành phố, cơ quan này đã phát hiện nhiều cơ sở y tế chỉ ký hợp đồng mượn trang thiết bị của các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế. Để mượn máy như vậy, các cơ sở y tế phải cam kết thực hiện một số điều khoản ràng buộc như phải sử dụng một lượng hóa chất, xét nghiệm, chụp chiếu nhất định. Nếu cơ sở y tế không bảo đảm các tiêu chí ràng buộc thì đơn vị đặt máy sẽ rút máy móc về. Như vậy, vô hình trung bệnh viện sẽ phải thực hiện theo cam kết đã ký, nguy cơ người bệnh không cần nhưng vẫn phải làm xét nghiệm để bệnh viện đạt chỉ tiêu xét nghiệm, chiếu chụp là có.

Một trong những tồn tại phức tạp nhất là tình trạng các cán bộ, nhân viên y tế góp tiền mua máy móc y tế đặt trong các bệnh viện để làm dịch vụ khám bệnh. Tình trạng này được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu và các biện pháp can thiệp máy móc trong các bệnh viện công khiến chi phí khám, chữa bệnh của bệnh nhân tăng cao. Ông Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương nhìn nhận, điều này thật sự nguy hiểm vì sẽ dẫn đến tình trạng làm ăn theo kiểu chộp giật, thời vụ và hệ quả là bản thân nhân viên y tế sẽ chỉ định thật nhiều dịch vụ đồng thời đẩy giá lên quá cao để hưởng lợi. Theo ông Trí, cách thức các nhân viên y tế góp vốn đầu tư thiết bị cần phải được tính toán, cân nhắc, phê duyệt kỹ càng. Nếu làm theo kiểu tự phát là góp mua trang thiết bị rồi tự đưa ra bảng giá để thu… là sai căn bản, cần tuyệt đối cấm. “Với cách làm tự phát như vậy đã tự nhiên biến các khoa, đơn vị công của bệnh viện công lập thành cơ sở tư nhân. Trong khi các khoa, phòng không cần phải đầu tư kinh phí xây dựng, tiền thuế không phải đóng mà phí thu dịch vụ lại quá cao là bất hợp lý”, ông Trí nói.

Đến lòng vòng “thổi giá” và “đội giá”

Bên cạnh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu, thời gian qua đã có một số vụ mua bán trang thiết bị y tế lòng vòng nhằm “thổi giá”, “đội giá” được cơ quan chức năng phát hiện. Thậm chí có những vụ máy móc xã hội hóa bị đội giá hàng chục tỷ đồng, dẫn đến nâng giá dịch vụ bất hợp lý, chiếm đoạt tiền của người bệnh.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), sở dĩ có tình trạng “thổi giá,” nâng giá trang thiết bị y tế trong thời gian qua, nguyên nhân chủ quan là do đây là loại hàng hóa đặc thù, việc quản lý và sử dụng có yêu cầu riêng biệt so với các loại hàng hóa khác; cùng chủng loại nhưng có nhiều mức giá khác nhau phụ thuộc vào yêu cầu chuyên môn, cấu hình, tính năng kỹ thuật và các dịch vụ đi kèm. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa coi trọng, làm tốt công tác xác định nhu cầu, không tham khảo đầy đủ thông tin về trang thiết bị y tế trên thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch mua sắm mà chỉ tập trung vào mặt hàng, chủng loại dự kiến mua sắm. Việc xây dựng dự toán chưa thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Nguyên nhân khách quan là do một số đơn vị thẩm định giá không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, không thực hiện đúng quy định về việc thẩm định giá, không có kinh nghiệm thẩm định về giá. Bên cạnh đó, việc tra cứu, tham khảo về giá thị trường (giai đoạn trước) gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ để đánh giá. Chính sách bán hàng của các công ty chưa đồng bộ, nhất quán dẫn đến việc có sự chênh lệch về giá bán giữa các đơn vị, địa phương. Đồng quan điểm, theo một lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội, việc quản lý, cấp phép các chứng chỉ cho các thẩm định viên quá lỏng lẻo, dễ dãi. Đáng ra, thẩm định viên là người phải có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm cũng như tiêu chí khắt khe về đạo đức thì một số người không hội tụ đủ các tiêu chí này vẫn ký xác nhận những tài sản có giá trị lớn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hoặc tiền túi người dân.

Chính vì vậy, quản lý trang thiết bị y tế cần được sự quan tâm đầu tư đúng mức về chính sách, nhân lực. Công tác quản lý mặt hàng này tại các cơ sở y tế nói riêng và trong toàn ngành nói chung cần phải được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ.