Tiến gần hơn tới chiến thắng

Tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 2 của Chính phủ vào ngày 2-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin cho người dân theo thứ tự ưu tiên là người nghèo, gia đình chính sách và tám nhóm đối tượng đã được Chính phủ phê duyệt. Như vậy, cùng với việc nhập lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên, và những nỗ lực chạy đua trong sản xuất vắc-xin trong nước, mục tiêu mở rộng tiêm phòng giúp tạo miễn dịch cộng đồng đang từng bước được hiện thực hóa.

Ngày 24-2, lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHAN DUYÊN
Ngày 24-2, lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHAN DUYÊN

Tin vui từ vắc-xin “made in Vietnam”

Theo Bộ Y tế, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ công nghệ lõi sản xuất vắc-xin, đó là nền tảng quan trọng để sẵn sàng cho sản xuất vắc-xin khi SARS-CoV-2 có các biến chủng mới. Nhà máy sản xuất vắc-xin tại Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế là một trong 14 nhà máy trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn sản xuất cung cấp vắc-xin cúm toàn cầu khi có đại dịch. Với dịch Covid-19, ngay cả khi mua được vắc-xin từ nước ngoài, chúng ta vẫn đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung ứng. Và không chỉ vắc-xin chống dịch Covid-19 mà còn các loại bệnh khác nữa. Hiện, Việt Nam đã cung cấp 10/12 vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng với hàng triệu mũi tiêm an toàn mỗi năm.

TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, đơn vị đang nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” cho biết: Vắc-xin Covivac chính thức được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một từ tháng 3, tại Hà Nội, với 120 người tình nguyện. Giai đoạn hai dự kiến từ tháng 7 năm nay, với 300 người tình nguyện tham gia và thêm điểm nghiên cứu tại Thái Bình. Các xét nghiệm, thử nghiệm mới nhất cho thấy Covivac có khả năng bảo vệ trước biến thể mới của SARS-CoV-2 ghi nhận tại Anh và Nam Phi. Công suất sản xuất hiện đạt sáu triệu liều, sẽ nâng lên 30 triệu liều vào cuối năm nay.

Nói thêm về hiệu quả của Covivac, GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covivac trên người, cho biết, ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật (đánh giá tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam) cho thấy vắc-xin này có hiệu quả miễn dịch với chủng SARS-CoV-2 thông thường và hai chủng vi-rút biến chủng (chủng Anh và Nam Phi). Hiện đây là các chủng ghi nhận nhiều bệnh nhân nên đã thử nghiệm trước với các chủng này, tiến tới sẽ thử thêm hiệu quả miễn dịch với các chủng khác. Thời gian qua, thử nghiệm vắc-xin Nanocovax với vi-rút biến chủng xuất hiện lần đầu tại Anh cũng đã cho thấy có hiệu quả miễn dịch.

Dấu mốc “trung tuần tháng ba”

Ngoài bốn đơn vị trong nước đang “chạy đua” sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19, Việt Nam vừa chính thức có loại vắc-xin này nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán. Theo đó, hơn 117.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu sản xuất đã về Việt Nam. Vắc-xin của AstraZeneca được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia. Theo nhà sản xuất, vắc-xin này có năm điểm nổi bật là hiệu quả miễn dịch cao; bảo đảm tính an toàn; công nghệ mới, ổn định; bảo quản dễ dàng và giá vắc-xin ưu đãi. Ngay sau khi được thông quan và đưa về bảo quản lại kho lạnh từ âm 40 độ C đến âm 80 độ C tại Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC), vắc-xin này đã được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định chất lượng nhanh nhất để tiêm cho người dân trung tuần tháng 3 này. 

Cho đến nay, Bộ Y tế dự kiến mua được 91 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, chưa kể 60 triệu liều đang đàm phán mua của Nga, với tổng số khoảng 150 triệu liều vắc-xin tiêm cho 75 triệu người. Nguồn vắc-xin cung cấp cho Việt Nam trong thời gian tới từ Chương trình COVAX với 30 triệu liều, cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu và hiện đang hoàn tất các thủ tục. Nguồn vắc-xin của Pfizer đang đàm phán, với khả năng hãng sẽ cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Sau khi vắc-xin về đến Việt Nam, Bộ Y tế sẽ họp với các chuyên gia quốc tế, đánh giá về các phản ứng không mong muốn, cũng như các vấn đề có thể gặp phải khi tiêm vắc xin diện rộng. Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế thống nhất nhận định không vắc-xin nào bảo đảm an toàn 100%, nhất là vắc-xin ngừa Covid-19 mới phát triển trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, với vắc-xin Pfizer mà Việt Nam đang đàm phán nhập khẩu, sẽ cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (âm 70 độ C), nhưng khi rã đông cần tiêm trong vòng 5 ngày. Nếu không tiêm kịp trong thời gian đó do lý do khách quan thì sẽ rất lãng phí vắc-xin. Tại Mỹ, đã có một tỷ lệ vắc-xin không sử dụng được vì lý do này.

Thực tế cho thấy, các nước bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin đã có hiệu quả trong phòng ngừa SARS-CoV-2. Tại nước ta, Bộ Y tế đang tổng rà soát nhân lực, thiết bị và tập huấn toàn tuyến về quản lý, tổ chức tiêm chủng, để tối ưu các điều kiện cho triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến triển khai từ quý II năm nay. GS,TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, với vắc-xin Covid-19 nhập khẩu, hiệu quả bảo vệ hiện nay được đánh giá có thể bảo vệ trong sáu tháng đến một năm, vì đây là vắc-xin mới, thời gian chưa đủ dài để khẳng định hiệu quả, cần có thêm thời gian đánh giá. Song Bộ trưởng Y tế khẳng định: “Vắc-xin này sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những liều vắc-xin đầu tiên đã xuất hiện kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó đợt bùng phát mới. Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, các đối tượng theo quy định của Chính phủ và hướng đến cung cấp đầy đủ vắc-xin cho người dân trong năm 2021”.