Thận trọng khi sắp xếp lại trường lớp

Nhằm bảo đảm cơ sở vật chất (CSVC) để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhiều địa phương đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp trên địa bàn. Song, bởi còn nhiều vướng mắc nên đang xảy ra tình trạng "mỗi nơi một kiểu", đòi hỏi ngành giáo dục phải sớm có những giải pháp hữu hiệu vừa bảo đảm đặc thù vùng miền vừa có sự thống nhất trên cả nước. Nếu không, nguy cơ phải sắp xếp lại việc sắp xếp là hiện hữu.

Học sinh xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) đến trường bằng ghe. Ảnh: Tiến Hưng
Học sinh xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) đến trường bằng ghe. Ảnh: Tiến Hưng

Từ "vùng trũng" ÐBSCL

Ðây là thời điểm nhiều địa phương đang triển khai quán triệt đồng thời hai nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan lĩnh vực giáo dục. Theo đó, tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ÐT), đổi mới chương trình GDPT, chuyển từ hình thức truyền đạt kiến thức sang phát huy năng lực người học, đặt ra cho ngành giáo dục phải củng cố mạng lưới trường lớp theo hướng hiện đại, giảm tỷ lệ học sinh/lớp, bố trí đủ giáo viên (GV) theo quy định, đầu tư mở rộng các cơ sở giáo dục để bảo đảm đủ điều kiện giáo dục toàn diện cho học sinh,… Trong khi đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW đề nghị, giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so năm 2015... Ðiều đáng nói, dù đã gần hai năm sau khi Nghị quyết 19 ban hành, vẫn chưa có những hướng dẫn thực thi cụ thể, đồng bộ.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn phát sinh tại các địa phương chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình mới, mới đây, Bộ GD&ÐT tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Ðây là khu vực được thống kê đang thiếu gần 17.000 GV mầm non, phổ thông, trong đó GV mầm non thiếu khoảng 11.600 người. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Liệu việc thực hiện tinh giản theo Nghị quyết 19 một cách cơ học có dẫn tới không bảo đảm số lượng và cả chất lượng GV các bậc học ở "vùng trũng" của giáo dục này?

Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Minh Tâm đề xuất trong thời gian tới, Bộ GD&ÐT cần tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn về việc tinh giản biên chế GV. Lý do được viện dẫn là, giao biên chế sự nghiệp giáo dục ở Ðồng Tháp vẫn chưa đủ theo định mức ở các cấp học. Nếu tính theo định mức từ cấp học mầm non đến phổ thông thì thiếu khoảng 1.000 biên chế.

Việc rà soát, sắp xếp các điểm trường khu vực ÐBSCL cũng cho thấy hàng loạt những bất cập. Ðại diện Sở GD&ÐT tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp phải xem xét yếu tố đặc thù như kênh rạch giao thông chằng chịt, quy mô trường, lớp lớn nhưng học sinh lại phân tán nhiều nơi. Do vậy, khi bố trí đầu tư nên có cơ chế đặc thù cho vùng, nhất là cơ chế tự chủ cho địa phương.

Ðề xuất giải pháp, một số địa phương nêu kiến nghị, nếu chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2021-2025 được thực hiện cần cho phép các tỉnh ÐBSCL tham gia với các tiêu chí, điều kiện như các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nhằm giúp các tỉnh trong vùng xóa bỏ các phòng học tạm, tranh tre nứa lá, từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất trường học cho toàn vùng.

Ðến những lo lắng tương lai

Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân cuối tuần, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cơ sở vật chất - cơ quan tham mưu chuyên trách của Bộ GD&ÐT bày tỏ lo ngại, trên thực tế, đang có không ít địa phương khi nói đến tinh giản 10% số đơn vị sự nghiệp, tinh giản 10% biên chế là nghĩ ngay đến ngành giáo dục mà không xem xét kỹ thực trạng giáo dục của chính địa phương mình, cũng như chưa có nghiên cứu về tính đặc thù của ngành. Do đó, không ít địa phương mới chú trọng vào tinh giản cơ học, thiếu quan tâm chất lượng giáo dục. "Xét trên phạm vi toàn quốc, Trung ương cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể về việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục; xem xét chủ trương tinh giản biên chế 10% đối với viên chức giáo dục cho các tỉnh đặc thù sông nước, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ðồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình bố trí, sắp xếp đội ngũ gắn với sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập (trường học); các địa phương cần chủ động giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên trên địa bàn theo các quy định hiện hành..." - ông Phạm Hùng Anh kiến nghị.

Trao đổi ý kiến với các chuyên gia, có thể thấy vướng mắc hiện nay còn nằm ở sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về giáo dục: biên chế nhân sự ngành giáo dục thì do ngành nội vụ quản lý; việc sắp xếp, xây dựng trường lớp do các cấp chính quyền địa phương quyết định; trong khi những quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy mô trường lớp, chất lượng GV lại do ngành giáo dục quy định. Tháng 8-2018, Bộ GD&ÐT đã có Công văn số 3712 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, với mục tiêu: khắc phục tình trạng trường lớp còn nhiều điểm trường lẻ, có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực kể cả về đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên và CSVC, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở các địa phương là khác nhau.

Chính bởi những khó khăn thực tế ấy, tại Hội nghị mang tính chất tham vấn nhằm tìm ra giải pháp đưa giáo dục ÐBSCL thoát khỏi "vùng trũng", Bộ trưởng GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ kiến nghị, các địa phương cần lưu ý tới chất lượng, tính thiết thực và hiệu quả khi xây dựng đề án quy hoạch sắp xếp trường lớp. Sau khi xây dựng xong đề án quy hoạch cần có nghị quyết của Tỉnh ủy thực hiện đề án. "Nếu không có nghị quyết cụ thể để cấp Hội đồng Nhân dân giám sát, sau này việc triển khai thực hiện đề án sẽ khó khăn" - ông Nhạ lưu ý và cũng đề nghị địa phương tránh tình trạng giao khoán cho ngành giáo dục, quá trình triển khai cần phải có lộ trình, bước đi, tăng cường sự giám sát.

Thực tế cho thấy, CSVC, đội ngũ nhà giáo hiện nay còn thiếu và yếu, vì vậy nếu chúng ta thực hiện hai nghị quyết quan trọng như trên mà không nghiên cứu, tính toán kỹ, không xem xét đến điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, thì chúng ta sẽ không hoàn thành được các mục tiêu của hai nghị quyết, thậm chí có khả năng sẽ xung đột về chính sách.