Sửa luật đi cùng đổi mới thực thi

So với luật được ban hành lần đầu vào năm 2006, Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11 vừa qua, đã được xây dựng và kết cấu lại một cách toàn diện hơn với hàng loạt những điểm chỉnh sửa đáng chú ý. Điều này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) như thế nào?

Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ siết chặt quản lý đối với hoạt động chào bán chứng khoán. Trong ảnh: Ngày giao dịch đầu tiên của Công ty cổ phần Nhiệt điện Gia Lai. Ảnh: BÁ THỤY
Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ siết chặt quản lý đối với hoạt động chào bán chứng khoán. Trong ảnh: Ngày giao dịch đầu tiên của Công ty cổ phần Nhiệt điện Gia Lai. Ảnh: BÁ THỤY

Những điểm mới

Có thể thấy, hàng hóa trên thị trường trở nên đa dạng hơn bằng việc chính thức luật hóa những loại chứng khoán phái sinh mới như chứng quyền có bảo đảm, chứng chỉ lưu ký. Nội hàm của các khái niệm về người có liên quan, nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp hay người nội bộ cũng thay đổi theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Địa vị pháp lý của các chủ thể trên thị trường được thay đổi đáng kể và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được trao nhiều quyền hạn, nhiệm vụ hơn để phát huy tính chủ động trong việc điều hành trực tiếp TTCK. Mặt khác, Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam sẽ được thành lập để thống nhất trong hoạt động tổ chức thị trường giao dịch trên nền tảng của Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE). Cùng với đó, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thành lập trên nền tảng của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) để nâng cao vị trí pháp lý và mở rộng phạm vi hoạt động của chủ thể này. Đồng thời, bổ sung tư cách pháp lý của thành viên bù trừ bên cạnh thành viên lưu ký đã quy định trong luật cũ. Địa vị pháp lý của ngân hàng thanh toán cũng lần đầu được luật hóa.

Đối với chính sách quản lý hoạt động chào bán chứng khoán, tinh thần của đạo luật lần này mang hơi hướng siết chặt các điều kiện chào bán. Hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) và chào bán thêm được quy định tách bạch. Các điều kiện chào bán mang tính định lượng như quy mô, chất lượng hoạt động của chủ thể chào bán được nâng lên. Nhiều điều kiện chào bán về chất lượng quản trị, tỷ lệ phân phối chứng khoán được bổ sung mới. Cụ thể, có đến chín điều kiện mà một doanh nghiệp (DN) cần phải đáp ứng nếu muốn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Trong đó, điều kiện về vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng nâng lên thành 30 tỷ đồng, yêu cầu về lợi nhuận từ một năm liền kề nâng hai năm liền trước năm đăng ký chào bán…

Hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ cũng bị giới hạn phạm vi với đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm NĐT chiến lược và NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Các hoạt động chào bán trái phiếu cần phải có chỉ số đánh giá tín nhiệm của tổ chức đánh giá tín nhiệm. Bên cạnh đó, luật cũng cho phép các DN phát hành chứng khoán thấp hơn mệnh giá để hỗ trợ cho các DN đang có cổ phiếu có giá thị trường dưới mệnh giá có thể phát hành để huy động vốn.

Về các quy định về công ty đại chúng cũng được thay đổi theo hướng thực chất hơn. Tiêu chí về tính đại chúng được nâng lên với hai điều kiện: Thứ nhất, có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên. Thứ hai, có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 NĐT không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Kèm theo đó, nghĩa vụ quản trị công ty của công ty đại chúng cũng được luật hóa, thay vì trước đây chỉ được đề cập ở cấp độ Nghị định.

Vấn đề giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm cũng có những chuyển biến. Những biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK đã được thiết kế và ghi nhận vào luật, bao gồm: việc giám sát an ninh, an toàn TTCK; ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của TTCK; phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK…

Kỷ cương thị trường sẽ được siết chặt hơn với việc tăng mức phạt đối với vi phạm hành chính trên TTCK. Mức phạt tối đa được nâng lên là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm hoặc 3 tỷ đồng trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật.

Nỗi lo thực thi

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn những băn khoăn về tính khả thi trong nhiều chính sách trong đợt sửa đổi này. Đặc biệt, những chính sách mang tính đột phá để nâng cao tính minh bạch và công khai trên thị trường vẫn chưa xuất hiện.

Mặc dù ban soạn thảo đã quan tâm nhiều hơn tới quyền lợi NĐT nhưng vẫn thiếu vắng những biện pháp pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi NĐT trước những vi phạm pháp luật trên thị trường. Phần nội dung về bồi thường thiệt hại còn chưa rõ.

Về địa vị pháp lý của NĐT nước ngoài và tỷ lệ sở hữu của đối tượng này vẫn tiếp tục là một điểm nghẽn của thị trường. Vấn đề này đã không được giải quyết trong luật và tiếp tục “nhường” quyền cho Chính phủ hướng dẫn bằng văn bản dưới luật. Như vậy, điểm nghẽn trong việc thu hút NĐT nước ngoài vẫn chưa được khai thông cho đến khi Luật có hiệu lực và Chính phủ có văn bản hướng dẫn thi hành.

Hơn nữa, việc siết chặt quản lý đối với hoạt động chào bán chứng khoán cũng tạo nên nhiều nghi ngại về tính khả thi. Tác giả ủng hộ chính sách siết chặt các điều kiện chào bán để bảo vệ quyền lợi NĐT. Tuy nhiên, việc đưa ra các điều kiện chào bán theo luật mới có phần cảm tính và chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ đối với từng điều kiện. Theo xu hướng quốc tế, điểm trọng tâm của quản lý chào bán chứng khoán là tính minh bạch, trung thực của chủ thể chào bán trong việc cung cấp thông tin cho NĐT. Việc tăng cường quản lý chào bán bằng việc siết chặt các điều kiện mang nặng tính hành chính dường như không còn phù hợp so với bình diện chung của quốc tế.

Sẽ còn rất sớm để đánh giá tác động của đạo luật sửa đổi lần này đối với thị trường bởi lẽ còn rất nhiều vấn đề phải chờ hướng dẫn chi tiết của Chính phủ và Bộ Tài chính. Tuy vậy, để phát huy được những điểm tích cực của đợt sửa đổi luật lần này, các cơ quan quản lý cần tập trung triển khai quyết liệt việc thiết lập một mạng lưới giám sát thị trường đủ mạnh để bảo đảm tính minh bạch của thị trường - đây là điểm quan trọng nhằm phát triển bền vững TTCK nhưng cũng là điểm yếu nhất trong cơ chế quản lý và thực thi pháp luật chứng khoán hiện nay.

Sửa luật đi cùng đổi mới thực thi ảnh 1

Diễn biến VN Index tháng 11-2019. Ảnh: THANH THỦY

Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này đã luật hóa nhiều chính sách theo hướng tiệm cận được với thông lệ quốc tế. Vấn đề siết chặt kỷ cương của thị trường và bảo vệ quyền lợi NĐT được quan tâm hơn.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Lê Đức Nghĩa